Quay lại

Chấp nhận bài toán đánh đổi trong ngắn hạn

Theo dự án Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng, dầu, mỡ nhờn mà Bộ Tài chính vừa hoàn thiện, dự kiến sẽ giảm 2.000 đồng với mỗi lít xăng; 1.000 đồng mỗi lít với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; và 700 đồng mỗi lít dầu hỏa. Dự án giảm thuế này được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến có hiệu lực thi hành từ 1/4 đến hết năm nay. Như vậy nếu được thông qua, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng, dầu giảm 1.100 đồng (gồm VAT). Đây là mức giảm gấp đôi so với phương án được Bộ Tài chính đưa ra trước đó và tương tự với đề xuất mới đây của Bộ Công thương cũng như đáp ứng đúng với kỳ vọng và khuyến nghị đóng góp cho dự thảo của nhiều chuyên gia, tổ chức.

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, với việc điều chỉnh giảm như trên, dự kiến số thu thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) (bao gồm cả thuế BVMT, thuế VAT) cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng/năm. Nếu chính sách này có hiệu lực từ đầu tháng 4 đến hết năm nay, ước tính sẽ khiến NSNN giảm thu khoảng 23.954 tỷ đồng (bao gồm cả thuế BVMT, thuế giá trị gia tăng).

Đồng tình cao với đề xuất trên của Bộ Tài chính, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mức dự kiến hụt thu như vậy là mức mà NSNN có thể chịu đựng được.

Bên cạnh việc giảm thuế BVMT ở mức như Bộ Tài chính vừa đề xuất, một số chuyên gia và tổ chức cho rằng, cần nghiên cứu giảm cả các loại thuế khác liên quan (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu…), chấp nhận thu ngân sách (từ xăng dầu) có thể giảm lớn hơn con số trên hoặc không tăng thêm so với dự toán ban đầu.

Nhìn từ góc độ khác, TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh giảm thuế BVMT (là thuế được tính theo giá trị tuyệt đối), Bộ Tài chính có thể nghiên cứu dùng một phần trong phần tăng thu do giá xăng tăng (của các loại thuế theo giá trị tương đối theo giá xăng như thuế VAT, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt). Bởi khi lập dự toán ngân sách, Bộ Tài chính dựa trên kịch bản giá dầu ở mức nào đó - ví dụ là 70 USD/thùng - để ước tính tỷ lệ thu các thuế tương đối theo mức giá này. Trong khi đó, giá dầu từ khoảng tháng 10 năm ngoái đến nay biến động tăng mạnh, nên thuế thu được cũng nhiều khả năng tăng theo so với mức dự kiến ban đầu. “Đây chính là phần tăng mà ngân sách chưa tính đến. Do đó, có thể nghiên cứu lấy một phần thu tăng thêm đó quay trở lại hỗ trợ giảm giá xăng dầu mà không ảnh hưởng tới dự toán ngân sách ban đầu”, TS. Thành đề xuất.

Cùng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng Bộ chủ quản nên tính toán một vài kịch bản về giá xăng dầu năm nay. Trong đó cần tính đến kịch bản nếu giá xăng dầu tăng hơn mức dự toán tương đối, ví dụ 10% trở lên, thì lúc đó có phương án sử dụng phần tăng thu thêm từ các loại thuế do giá tăng đó hỗ trợ trở lại để giảm đà tăng của giá xăng dầu trong nước.

Giảm thuế sẽ được nhiều hơn mất

Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thời điểm hiện nay Chính phủ nên mở rộng chính sách hỗ trợ thuế và phí cho các mặt hàng đang có giá cả tăng cao, đặc biệt những hàng hóa có vai trò là nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như xăng dầu. Bên cạnh đó, cần cân nhắc chính sách hỗ trợ giá điện cho doanh nghiệp, người dân. Khi thực hiện các chính sách như vậy, chúng ta phải chấp nhận nguồn thu ngân sách trước mắt có thể giảm xuống, song đổi lại sẽ có được sự ổn định nguồn thu trong trung hạn. Vì khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trở lại, thị trường và chuỗi sản xuất thông suốt thì nguồn thu thuế theo đó sẽ tăng lên.

TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê - cho rằng, nỗi lo hụt thu ngân sách là có thể hiểu và đồng cảm được. Nhưng cũng cần đặt chính sách tài khóa trong góc nhìn dài hơi hơn, chấp nhận trước mắt hụt thu ngân sách nhiều hơn nhưng sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển sản xuất. Và khi sản xuất tăng sẽ là nguồn để cho thu thuế từ sản xuất tăng trở lại, giúp bù đắp cho phần hụt thu trước đó.

Vì vậy theo chuyên gia này, việc tính toán đủ liều lượng và triển khai kịp thời để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu là rất quan trọng trong lúc này. “Chính sách tốt, giải pháp tốt nhưng thực hiện chậm vẫn không có tác dụng”, ông Lâm nói và cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng quá cao như hiện nay, đến tháng 4 mới giảm thuế BVMT là chậm, nhiều doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải, đánh bắt thủy sản… khó cầm cự nổi.

Trong khi đó theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, VCCI - Tổ chức trước đó trong đóng góp cho dự thảo Nghị quyết của Bộ Tài chính đã kiến nghị cần tăng mức giảm thuế BVMT lên mức 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn - cho rằng, dự án Nghị quyết mới nhất của Bộ Tài chính là phù hợp. Tuy nhiên vị này nhấn mạnh việc giảm thuế chỉ là một phần mà cần phải có một gói chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó ngoài việc giảm thuế, phí thì cần các hình thức hỗ trợ khác như tạm hoãn thanh, kiểm tra định kỳ thường xuyên; giảm các thủ tục hành chính…

Về trung và dài hạn, TS. Võ Trí Thành cho rằng để duy trì ổn định và chủ động đối với mặt hàng xăng dầu, có ba vấn đề cần tập trung giải quyết. Đó là vấn đề cạnh tranh thị trường; dự trữ dầu quốc gia và nghiên cứu điều chỉnh khung khổ pháp lý liên quan (đặc biệt là liên quan đến tính linh hoạt trong chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu; sự cần thiết của Quỹ bình ổn…).

Cùng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bên cạnh việc rà soát lại để có cơ cấu thuế phí phù hợp hơn thì cần xem xét lại phương thức quản lý giá xăng dầu. Trong bối cảnh giá biến động mạnh theo ngày như hiện nay cần phương thức linh hoạt hơn, như có thể giảm lần điều chỉnh giá xuống 5 ngày/lần. Trong khi đó, cũng cần xem xét lại Quỹ Bình ổn xăng dầu, như có nhất thiết duy trì quỹ này không. Nếu duy trì thì phải có các phương thức cải tiến quỹ này như thế nào cho hiệu quả hơn.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, giải pháp căn cơ hơn để giảm thiểu những tác động tiêu cực của giá xăng dầu là cần hướng đến đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu cả trong nước và ngoài nước trong dài hạn. Chính phủ cần sớm cho phép mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia để giảm bớt lệ thuộc và tác động của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang