Quay lại

Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng nếu cơ quan chức năng không có ngay biện pháp cấp bách để kiểm soát sẽ tạo hiệu ứng domino tăng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân.

Đặc biệt, Việt Nam phải xem xăng dầu là mặt hàng thiết yếu để đưa ra giải pháp phù hợp như cần giảm ngay các loại thuế, phí chứ không nên chần chừ.

Ông LÊ DUY HIỆP, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam:

Chủ động dự trữ xăng dầu phòng khủng hoảng thiếu

Chi phí xăng dầu chiếm tới 25% chi phí của doanh nghiệp (DN) vận tải đường bộ, còn đối với vận tải đường biển chi phí này chiếm nhiều hơn. Thực tế hiện các DN rất khó khăn vì bản thân chi phí logistics của Việt Nam đã cao rồi mà giá xăng dầu và các loại phí khác lại liên tục tăng lên. Đơn cử từ tháng 2 đến nay, giá xăng dầu đã tăng nhiều lần, lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Vì thế, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng điều hành giá xăng dầu linh hoạt, kịp thời để hỗ trợ người dân và DN chống chọi trước khó khăn. Trong đó cần xem xét giảm các loại thuế, phí và có các kịch bản cụ thể về giá xăng dầu để có biện pháp ứng phó phù hợp.

Đặc biệt, không chỉ là vấn đề giá xăng dầu leo thang mà cơ quan chức năng cần quan tâm đến nguy cơ khủng hoảng thiếu nguồn cung, vì nếu thiếu còn nguy hiểm hơn cả tăng giá. Bởi hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu chủ yếu xăng dầu từ các nước, nguồn từ các nhà máy lọc dầu trong nước hạn chế. Cụ thể, Chính phủ cần có kế hoạch mua thêm, xây kho dự trữ và chuẩn bị lượng xăng dầu dự trữ lớn, qua đó giúp ổn định giá xăng dầu trong nước.

Ông BÙI NGỌC BẢO, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:

Giảm thuế, phí là cần thiết

Nếu lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và giảm thiểu tác động đến đời sống người dân lẫn nhà kinh doanh thì việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (dầu không có sắc thuế này) là rất cần thiết. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể cân đối giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường.

Việc giảm thuế không phải ngày một, ngày hai mà phụ thuộc nhiều vào đánh giá diễn biến giá dầu trong thời gian tới. Thị trường dầu thế giới không còn là vấn đề giữa cung - cầu, mà còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị. Vì vậy, tôi cho rằng nên đặt ra các kịch bản, kế hoạch kèm theo các giải pháp để chuẩn bị sẵn các thủ tục về mặt hành chính.

Giả sử giá dầu thế giới tăng lên mốc 150 USD/thùng thì tác động đến giá xăng dầu trong nước thế nào, tác động tới người dân và nền kinh tế ra sao; thu ngân sách thế nào, giải pháp ra sao… Khi lên kế hoạch cụ thể thì ở mức độ nào có thể giao được cho Chính phủ hay liên bộ Tài chính - Công Thương xử lý. Còn nếu cứ để ngày mai xăng dầu tăng giá mà hôm nay chúng ta mới đưa ra bàn giải pháp thì rất bị động, không kịp.

Đại biểu Quốc hội TRẦN HOÀNG NGÂN (Đoàn TP.HCM):

Xăng là mặt hàng thiết yếu, cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt

Tôi cho rằng với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, các cơ quan cần có giải pháp để nhanh chóng kiểm soát mặt hàng này, không để tăng lên quá cao. Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng cần có những công cụ kiểm soát. Công cụ đó là thuế bảo vệ môi trường, đã giảm 50%, sắp tới có thể đề xuất giảm tiếp.

Ngoài ra, có thể xem xét giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… đối với xăng. Bởi xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa mà là mặt hàng rất cần thiết, thiết yếu. Không có lý do gì chúng ta lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng.

Tình hình giá xăng dầu đang là “biến số” gây tác hại đến lạm phát trên toàn cầu. Hầu hết quốc gia đều thực hiện các chính sách để kiểm soát giá mặt hàng này. Ở Việt Nam, lạm phát đang được kiểm soát, tuy nhiên, nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt thì giá xăng dầu sẽ tác động domino đến mặt bằng giá cả hàng hóa khác.

Chúng ta phải chấp nhận một khoản thiếu hụt nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Phải tận dụng cơ hội này để giữ mặt bằng giá xăng dầu. Có như vậy mới kiểm soát được lạm phát mà hiện nay các nước khác đang phải trả giá.

Ông TRẦN DUY ĐÔNG, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương):

Đề nghị xem xét giảm thuế

Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới. Thực tế khi giá xăng dầu thô thế giới biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra kịch bản, ví dụ nếu giá dầu thô 130 USD/thùng hay 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu…

Hiện liên bộ Tài chính - Công Thương cũng đang lấy ý kiến về việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống còn 12%. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể ra sao cũng phải tính toán để hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước, đồng thời giữ tỉ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung.•

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang