Quay lại

Giá đường trong nước tăng trở lại trong tháng 3 sau hai tháng giảm liên tiếp, nhưng mức tăng khá chậm so với đà tăng của thị trường thế giới.

Tính đến cuối tháng 3 giá đường trắng dao động từ 17.800 – 18.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn 200 – 600 đồng/kg so với với đầu tháng 1 năm nay. Đồng thời, giá đường trong nước vẫn tiếp tục chịu sức ép lớn từ đường nhập lậu giá thấp chỉ từ 16.600 – 17.300 đồng/kg.

Theo nhận định của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 4 và các tháng kế tiếp và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường và chất ngọt có nguồn gốc nhập khẩu.

Giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới, hiện đang ở mức cao nhất trong 5 năm gần đây.

Nhận định về xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cung – cầu đường và giá đường trên thế giới, các nhà phân tích quốc tế cho hay, Nga sản xuất 6 triệu tấn đường mỗi năm, do đó đã tự cung tự cấp kể từ năm 2016 và không còn là nhà nhập khẩu đường lớn.

Tuy nhiên, sản lượng hai vụ thu hoạch củ cải đường gần đây nhất là vụ 2020 – 2021 và 2021 - 2022 đều ở dưới mức trung bình và Nga đã cạn kiệt nguồn dự trữ đường.

Theo phân tích dự báo từ Czarnikow, đến tháng 8 năm nay, dự trữ đường của Nga có thể giảm xuống dưới 10% mức tiêu thụ hàng năm. Hiện Chính phủ Nga đã áp đặt các biện pháp kiểm soát giá và tìm cách nhập khẩu đường.

Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển tại khu vực này. Đồng thời, có một lỗ hổng khác trong kế hoạch tự cung tự cấp đường của Nga đó là nước này hiện nhập khẩu hơn 95% hạt giống củ cải đường.

Czarnikow cho hay, hạt giống cho vụ gieo trồng 2022 tại Nga đã được mua nhưng việc bảo đảm hạt giống củ cải đường cho năm 2023 trong bối cảnh hiện nay do các lệnh trừng phạt và xa hơn nữa sẽ rất khó khăn. Với những yếu tố đó, Czarnikow cho rằng ngày càng có khả năng Nga phải nhập khẩu đường để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Còn tại Ấn Độ, các chỉ báo cho thấy chính phủ nước này có thể giới hạn xuất khẩu đường ở mức 8 triệu tấn để đối phó với giá đường tăng cao tại thị trường nội địa. Điều này cũng đã dẫn đến quan ngại thiếu hụt nguồn cung đường cho thị trường quốc tế và hỗ trợ đà tăng giá của  đường thô và đường trằng.

Những yếu tố này được cho là sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng giá đường thế giới trong thời gian tới. Tuy nhiên, đà tăng giá cũng sẽ phần nào bị hạn chế do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát gia tăng tại nhiều nước khiến sức cầu hàng hóa giảm.

Bên cạnh những yếu tố kể trên, VSSA cho biết giá đường trong thời gian sắp tới cũng phụ thuộc vào hiệu quả của các nỗ lực chống gian lận thương mại đường nhập lậu. Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn).

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang