Quay lại

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn Hà Nội, sau kỳ điều chỉnh giá hôm 1/3 vừa qua, các doanh nghiệp đã lỗ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới tiếp đà tăng mạnh nên trong kỳ điều hành sắp tới, dù có can thiệp bằng quỹ thì giá vẫn sẽ tăng mạnh, dự kiến dao động ở mức 3.800-4.000 đồng/lít, tùy loại. Giá xăng dự kiến sẽ chạm mốc 30.000 đồng/lít trong vài ngày tới.

Theo các chuyên gia, giá xăng dầu trong nước hiện nay chịu tác động kép bởi hai yếu tố: nguồn cung trong nước khan hiếm và giá thế giới leo thang – hệ quả của những biến động chính trị, đặc biệt là chiến sự Nga – Ukraine cùng lạm phát khắp thế giới, nhất là Mỹ, Trung Quốc.

Doanh nghiệp vận tải “kêu trời”

Vì xăng dầu là đầu vào quan trọng của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ngành vận tải nên khi giá tăng, đây cũng là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp trong ngành rơi vào tình trạng thua lỗ trầm trọng và đứng trước nguy cơ phá sản, đóng cửa do không chịu được sức ép giá xăng dầu tăng liên tiếp trong 2 tháng qua.

Nhiều nhà xe chở khách ở bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình (Hà Nội), bến xe miền Đông (TP. Hồ Chí Minh)…đang phải hoạt động cầm cự và đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc cân đối thu chi, sau khi giá xăng dầu tăng và lượng khách giảm do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp.

Một chủ xe chạy đường dài tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng khách giảm nghiêm trọng, trong khi các chi phí liên tục đội lên. Giá xăng tăng cao, càng chạy càng lỗ nên ông này sẽ xem xét ngừng hoạt động trong một thời gian.

Để bù đắp chi phí, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã buộc phải điều chỉnh giá cước. Cụ thể, theo thông tin từ Grab Việt Nam, doanh nghiệp này sẽ điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng.

Theo đó, với dịch vụ gọi xe ô tô GrabCar, giá cước điều chỉnh đối với dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng. Grab 7 chỗ là 34.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 13.000 đồng.

Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ tại TP. Hồ Chí Minh được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo. Tại Hà Nội là 34.300 đồng cho 2 km đầu tiên và cho 2 km đầu tiên và 11.800 đồng mỗi km tiếp theo.

Grab Việt Nam cho biết, giá cước trên chưa bao gồm phí nền tảng và các loại phụ phí khác, đồng thời có thể bị điều chỉnh linh động khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày.

Đại diện một hãng taxi sân bay chuyên tuyến Hà Nội – Nội Bài cho hay, do giá xăng tăng chóng mặt những ngày qua, hãng đã buộc phải điều chỉnh mức cước từ 250.000 đồng/lượt lên 280.000 đồng – 300.000 đồng/lượt để bù đắp chi phí.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải hàng hóa tuyến Bắc – Nam cũng “than trời” khi buộc lòng phải điều chỉnh giá tăng 15-20% nếu không muốn bị thua lỗ trầm trọng. Tuy nhiên, để giữ chân “khách quen”, mức giá mới hiện chỉ đang áp dụng với các đối tượng khách lẻ, dù doanh thu của doanh nghiệp đã giảm tới hơn 40%.

“Chưa hết lao đao vì dịch bệnh khiến đơn hàng giảm mạnh, giờ giá xăng dầu tăng mạnh lại khiến doanh nghiệp chúng tôi ‘khó chồng khó’. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn chúng tôi sẽ phải đóng cửa”, đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Lương thực, thực phẩm tăng gấp đôi, gấp ba

Giá xăng dầu tăng kéo theo giá cước vận tải tăng khiến cho giá cả hàng hóa nhiều mặt hàng cũng tăng giá đáng kể.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, giá xăng dầu tăng sẽ đẩy giá thực phẩm, rau xanh, hàng hóa tiêu dùng… gia tăng, gây áp lực lớn tới lạm phát trong thời gian tới.

Tại các chợ, siêu thị truyền thống, các mặt hàng rau củ quả tươi, thủy hải sản, thịt bò, thịt lợn, gà, hoa tươi… dù hàng hóa dồi dào, nhưng giá cả đều tăng mạnh so với dịp Tết, lên hơn 20-25%, có mặt hàng tăng gấp đôi, gấp ba.

“Thực phẩm những ngày này tăng phi mã theo giá xăng dầu. Thời điểm Tết giá cả thực phẩm cũng không đắt như thế này”- chị Mai Anh ( Cầu Giấy- Hà Nội) cho hay. Chị cho biết, từ ngày giá thực phẩm tăng, gia đình chị phải chi tiêu nhiều tiền hơn cho bữa cơm hằng ngày. Bình thường mỗi bữa gia đình chị chỉ mất tầm 200.000 đồng cho 5 người ăn thì nay phải mất tầm 300.000 -350.000 đồng.

Chủ một số nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội cũng than phiền về giá các loại thực phẩm đầu vào liên tục tăng giá trong những ngày qua. Đại diện quản lý một chuỗi nhà hàng chuyên đồ nướng cho biết, số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh thời gian qua đã khiến lượng khách đến ăn giảm hẳn, ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của nhà hàng. Trong khi đó, nhà hàng cũng không dám tăng giá thành để giữ chân khách hàng, dù giá nguyên liệu, thực phẩm đã tăng giá 30%.

“Bước vào giai đoạn ‘bình thường mới’, chúng tôi đã thực hiện giảm giá để thu hút thêm khách hàng nhưng chưa kịp phục hồi thì giá xăng, gas tăng đến ‘chóng mặt’, khiến chúng tôi rơi vào thế ‘tiến thoái lưỡng nan’, không biết nên chủ động tăng giá hàng hóa để bù chi phí ban đầu hay giữ nguyên và chấp nhận hao hụt lợi nhuận(?)”, vị đại diện này than thở.

Cần sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Liên quan đến kết quả công tác quản lý, điều hành giá trong 2 tháng đầu năm 2022, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá xăng dầu thế giới đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, lý do là căng thẳng chính trị giữa Nga – Ukraine chưa tìm thấy lối thoát, dự trữ xăng dầu nhiều quốc gia giảm mạnh trong khi xu hướng đầu tư trên toàn thế giới tiếp tục được mở rộng. Những kỷ lục của giá dầu thô diễn ra hiện nay chưa có dấu hiệu chững lại, dù đã đạt đỉnh kể từ năm 2014.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Như vậy, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,67%.

Dự báo trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, xu hướng giá xăng dầu sẽ còn tăng tiếp, chứ chưa dừng lại ở mức như hiện nay. Điều này sẽ có tác động gián tiếp rất lớn tới nhiều lĩnh vực như: vận tải, logistics, hàng hóa tiêu dùng... từ đó tác động lạm phát.

“Các ngành chức năng cần sớm có các giải pháp về thuế để ‘hạ nhiệt’ mức tăng của giá xăng như hiện nay, giúp doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19”, ông Long đề xuất.

Mới đây, Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp về phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng ở mức 1.000 đồng/lít, Liên đoàn Thường mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, Bộ Tài chính cân nhắc thêm phương án có mức giảm mạnh hơn. Chẳng hạn, áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng và 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn từ 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại, thay vì áp dụng một mức cố định đến hết năm 2022.

Theo VCCI, giải pháp trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng trong bối cảnh sức khỏe của doanh nghiệp và cả nền kinh tế giai đoạn này đang cần hồi phục. Hơn nữa, giải pháp này cũng khả thi do Việt Nam được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 rất khả quan.

PGS TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) gợi ý, đối với xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường có thể điều chỉnh xuống còn 3.000 đồng/lít, thay vì 4.000 đồng/lít như hiện tại. Đồng thời, đưa mặt hàng này vào diện được giảm thuế giá trị gia tăng 2% như các loại hàng hóa khác.

Việc giảm một số loại thuế như trên sẽ không ảnh hưởng đến nguồn thu dài hạn nhưng có tác động ngay lập tức để giảm giá xăng, kìm chế được nguy cơ hàng hóa tăng giá mạnh. Tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu khoảng 40% là gánh nặng với người dân, do Việt Nam có thu nhập thấp.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang