Quay lại

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về yêu cầu của Thủ tướng, đó là không để khủng hoảng về năng lượng, tập trung khai thác hết công suất có thể về dầu, khí, than.

- Thưa ông, tại cuộc họp về cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện năm 2022 và các năm tiếp theo vừa diễn ra gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính có yêu cầu các bộ, ngành phối hợp điều hành đồng bộ, không để xảy ra khủng hoảng năng lượng, thiếu điện cho sản xuất, tiêu dùng. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Khách quan nhìn nhận, trong việc này ngành điện cũng có chỗ “chưa đúng” với ngành than. Đó là ngành điện ít khi thực hiện theo đúng hợp đồng với ngành than. Lúc thấy có lợi về giá thì ngành điện không mua than của TKV, mà tìm mua từ các nguồn khác.

Mặc dù năm 2017, Chính phủ đã quyết định cho EVN và PVN được phép khai thác các nguồn khác mà không nhất thiết phải mua than của TKV. Do đó, TKV rất “cẩn thận” trong việc ký kết hợp đồng với EVN.

Trong khi, TKV đã chuẩn bị đủ số lượng than để cung cấp cho EVN. Việc này dẫn đến TKV bị tồn kho một lượng lớn than đã nhập về. Tôi có trao đổi với TKV và họ có chia sẻ như vậy.

Trong bối cảnh hiện nay, đầu vào của than cũng rất cao do tác động từ chiến sự  Nga – Ukraine, nguồn than nhập từ Australia cũng như vậy.

Trong khi đó, nhiệt điện ở Việt Nam chiếm một tỉ trọng rất lớn, nếu xảy ra tình trạng thiếu điện từ nhiệt điện thì rất nguy hiểm. Như vậy, EVN cũng “rất lo” khi Chính phủ giao rất cụ thể, nên đã phải chuẩn bị phương án dự phòng. Đó là mua điện của Trung Quốc và Lào.

Từ các phân tích trên, Thủ tướng mới yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và cơ quan chức năng. Ví dụ, như sự phối hợp giữa các tập đoàn.

- Như ông có chia sẻ, điện và than luôn có một “điểm chung”. Đó là khi lãi thì không phản ứng, nhưng lỗ là “lên tiếng” ngay. Ông có thể chia sẻ thêm về hiện tượng này?

Vẫn biết trong hoạt động kinh doanh thì ai cũng phải nghĩ đến lời lãi. Tuy nhiên, khi có lãi thì cũng cần phải biết chia sẻ cùng cộng đồng, doanh nghiệp. Hiện nay nhiệt điện ở Việt Nam chiếm gần 50%, do đó nguyên liệu đầu vào cho điện chủ yếu phụ thuộc vào TKV. Mặc dù, năm 2017 Chính phủ cho phép EVN chủ động tìm nguồn than bên ngoài TKV.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận khách quan, thời gian qua nguồn cung cấp than cho điện không đầy đủ. Trong một vài tháng tới, đặc biệt là mùa khô thì thủy điện cũng sẽ bị giảm công suất, còn năng lượng tái tạo cũng mới chỉ chiếm khoảng 9,8%.

Như vậy, nếu không cung cấp đủ than thì ngành điện sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Từ đây, ngành điện mới “kêu” về khả năng thiếu điện.

Nhưng bản thân ngành than cũng có yếu điểm. Đó là ngành này vừa nhập nhưng cũng đồng thời lại vừa xuất. Nhập vào giá cao thì xuất đi cũng phải giá cao. Vậy tại sao than chỉ nói đến giá nhập cao mà không đề cập đến giá xuất cũng cao.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động ngành than cũng chưa thật sự hiệu quả. Ngành than có “than” rằng chi phí đầu vào tăng, như nguyên liệu, nhân công, rủi ro giãn cách xã hội do Covid-19... nên chi phí xã hội tăng cao. Từ đó khiến cho giá thành tăng cao.

- Từ những bất cập trên, ông có đề xuất giải pháp gì để người dân và doanh nghiệp không phải “phấp phỏng”?

EVN phải thực thi đúng như cam kết trong hợp đồng mua than với TKV. EVN không được thấy có nguồn cung cấp than mới rẻ hơn thì “bỏ qua” TKV, chỉ đến khi gặp khó khăn mới “tìm đến” TKV. Về phía TKV, khi nhập than cũng phải ký kết bảo hiểm rủi ro về giá.

Ngoài ra, cả EVN và TKV phải chủ động cho mình được nguồn cung. EVN ngoài sự chủ động với TKV thì cũng cần tìm thêm từ các nguồn cung khác để làm sao không bị ép giá.

Còn với TKV, mấu chốt ở đây là giá. Dù EVN là “khách hàng” chính, nhưng chỉ khi nào EVN cần thì TKV mới đi tìm nguồn cung. Vào thời điểm mua có thể giá lên cao thì EVN lại không chấp nhận nên mới xảy ra mâu thuẫn.

Như vậy, nếu TKV có dự báo, phòng ngừa rủi ro về giá trước khi ký kết với bên bán bằng hình thức có kỳ hạn, hợp đồng tương lại hay dùng bảo hiểm giá thì sẽ yên tâm về giá hơn.

Qua đây cũng cho thấy, sự phối hợp giữa EVN và TKV vừa thiếu đồng bộ lại không chủ động. Cụ thể, với EVN ngoài nguồn than của TKV thì vẫn còn hy vọng từ các nguồn khác. Lúc “được giá” thì EVN không “để ý ” đến TKV, chỉ khi gặp khó khăn mới tìm đến TKV.

Còn TKV chưa chủ động vì chờ đến khi nào EVN chắc chắn ký hợp đồng thì mới thực thi. Đến khi đó giá đã lên cao.

- Trân trọng cảm ơn ông! 

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang