Quay lại
  • Các đại biểu đề nghị Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt và VAT với mặt hàng xăng, dầu.

Ngày 1/6, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế- xã hội, nhiều đại biểu cảnh báo tình trạng “domino tăng giá nếu xăng, dầu vẫn cứ tăng cao”. Các đại biểu đề nghị Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng, dầu.

Đề xuất điều chỉnh các loại thuế với xăng, dầu

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM), tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều thách thức. Trong khi đó, đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao. Bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp… đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, gây áp lực đến lạm phát toàn thế giới và nhiều quốc gia.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM).

Trong bối cảnh đó, ông Ngân cho rằng trước mắt, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là xăng, dầu. “Nếu để giá xăng, dầu tăng cao sẽ dẫn đến các mặt hàng khác đều tăng giá theo”, ông Ngân nói, đồng thời đề nghị tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi “té nước theo mưa” và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đề nghị kiểm soát, hạ giá các dịch vụ công như xăng, dầu, điện nước. “Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới”, bà Dung cảnh báo. Để kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào, vị đại biểu tỉnh Hải Dương đề nghị tính toán để giảm một số khoản thuế, phí cấu thành giá thành xăng, dầu. Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cảnh báo không chỉ xăng, dầu, khí đốt mà vật tư phân bón, lương thực, thực phẩm cũng tăng giá, tạo tác động chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cân nhắc đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hoá) nói dự báo giá xăng dầu thời gian tới có thể tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao, gây lạm phát, ảnh hưởng thu nhập, chi tiêu của người dân. Để đảm bảo giá xăng dầu bớt tăng quá “nóng”, đại biểu đề nghị sớm quyết định điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng tương tự việc giảm thuế bảo vệ môi trường vừa qua. Việc giảm thuế xăng dầu có thể ảnh hưởng nguồn thu ngân sách nhưng theo đại biểu, Việt Nam có thể tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng.

Lạm quyền, nhũng nhiễu, ngâm hồ sơ

Theo đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam), thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản (BĐS) giữ vai trò rất quan trọng của nền kinh tế. Vừa qua, nhiều sai phạm lớn trong lĩnh vực này đã được phát hiện và đưa ra xử lý, trong đó điển hình là vụ việc xảy ra ở FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Bên cạnh đó, tình trạng 2 giá, giá giao dịch BĐS thực tế cao hơn nhiều so với giá kê khai trên hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS còn xảy ra phổ biến.

Theo ông Bình, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan thuế và các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp để chống thất thu thuế. Tuy nhiên, các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thời gian qua còn chung chung, chưa giải quyết triệt để được tận gốc vấn đề mà ngược lại đã làm phát sinh những hệ lụy, bất cập trong quá trình thực hiện. Trong đó, có vấn đề 2 giá trong tính thuế chuyển nhượng BĐS. Theo phản ánh của cử tri, một số cơ quan thuế ở cấp huyện có biểu hiện tùy tiện trong việc áp dụng giá BĐS, tính thuế, nhiều nơi yêu cầu người dân phải chấp thuận giá tính thuế cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần giá đất Nhà nước quy định thì mới giải quyết hồ sơ.

Trường hợp giá trong hợp đồng thấp hơn mức trên thì cơ quan thuế ngâm hồ sơ, mời lên làm việc nhiều lần. Cũng theo ông Bình, một số cán bộ thuế có biểu hiện lạm quyền, gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết hồ sơ, một bộ phận người dân buộc phải tiêu cực để giải quyết hồ sơ được thuận lợi.

Ông Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, về thuế.

Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 1/6, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 tăng 602 đồng/lít, lên mức 30.235 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 921 đồng/lít, tiếp tục lập đỉnh lịch sử với mức 31.578 đồng/lít. Giá dầu DO 0,05s-II bán lẻ tăng 841 đồng/lít, lên 26.394 đồng/lít; Dầu hoả tăng 941 đồng, lên 25.346 đồng/lít trong khi dầu mazut tăng 303 đồng, lên mức 20.901 đồng/lít.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang