Quay lại

Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN. Trong đó, Chính phủ yêu cầu cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không làm mất thương hiệu, bản sắc doanh nghiệp; đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực vốn, đất đai, thương hiệu... Tuy nhiên, hiện có nhiều nguyên nhân khiến năm nay nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ không đạt mục tiêu khi việc cổ phần hóa, thoái vốn đang rất chậm.

Không đạt kế hoạch đề ra

Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” ngày 17/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc cơ cấu lại DNNN trong những năm vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lũy kế giai đoạn 2016 đến hết tháng 4/2022, đã có 185 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 490.332 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 234.266 tỷ đồng; lũy kế tổng số vốn thoái đạt 29.300 tỷ đồng, thu về 183.766 tỷ đồng. Đến nay, công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản trị... nên doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn so với trước, tạo nguồn thu cho ngân sách, cơ bản đạt được mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động.

Tuy vậy, chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào thực tế, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN không đạt được kế hoạch đề ra. Minh chứng là riêng năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng. Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng nhận định, nhiều khả năng năm nay nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ không đạt mục tiêu khi việc cổ phần hóa, thoái vốn hiện vẫn đang rất chậm.

Cụ thể, ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, số lượng cổ phần hóa đạt 180 doanh nghiệp vượt chỉ tiêu đề ra (là 137 doanh nghiệp). Tuy nhiên, thực chất chỉ có 39 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa. Về tình hình thực hiện thoái vốn, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thoái vốn tại 348 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách là khoảng 60.000 tỷ đồng. Kết quả, đến hết năm 2020 chúng ta chỉ triển khai thoái vốn được tại 106 doanh nghiệp (đạt 30% về số lượng), với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách thoái là 6.493 tỷ đồng (đạt 11% tổng giá trị phải thoái vốn).

Giải thích nguyên nhân tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt được như kế hoạch, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định: các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này có quy mô lớn, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, sử dụng nhiều đất đai... nên cần nhiều thời gian, nguồn lực để sắp xếp. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cũng cần nhiều thời gian chuẩn bị. Đồng thời, do tác động của dịch bệnh Covid-19 và các bất ổn địa chính trị trong khu vực và thế giới cũng ảnh hưởng đến công tác sắp xếp trong thời gian qua.

Định giá thấp, tài sản nhà nước thất thoát theo

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí, nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất. Sau khi kiểm toán thì giá trị DNNN tăng lên nhiều lần, bình quân tăng 2,8 lần.

TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cũng cho rằng, định giá doanh nghiệp đang là một nút thắt cản trở tiến trình cổ phần hóa thời gian qua. Về lý thuyết cũng như trên thực tế, rất khó để xác định giá trị của doanh nghiệp một cách chính xác, bởi các yếu tố làm cơ sở cho việc định giá như lãi suất, triển vọng kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp… luôn biến động theo thời gian và phải ước tính, dự báo. Hơn nữa, giá bán vốn cổ phần của Nhà nước tại doanh nghiệp còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Chính vì khó xác định chính xác giá trị doanh nghiệp cũng như giá bán vốn của nhà nước, các cấp quản lý luôn thận trọng trong việc phê duyệt các phương án cổ phần hóa, vì lo ngại sẽ phải chịu trách nhiệm nếu kết quả cổ phần hóa bị coi là không thành công như kỳ vọng.

Nỗi lo trách nhiệm càng được nhân lên khi cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến cổ phần hóa còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Điển hình là các cơ chế chính sách trong việc định giá các tài sản như đất đai, thương hiệu.

Chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp mình, ông Lê Thanh Tuấn - Trưởng ban Đầu tư 4, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, trong việc xác định giá trị thương hiệu (trong đó bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử) vào giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn nhà nước, theo đánh giá của SCIC việc tách riêng giá trị thương hiệu, văn hoá lịch sử để định giá trong nhiều trường hợp là chưa thực sự hợp lý. Theo đó, khi xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn định giá căn cứ vào nhiều yếu tố để lựa chọn phương pháp định giá phù hợp. Trong đó, phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) hay phương pháp tỷ số bình quân (là các phương pháp phổ biến được áp dụng trên thị trường) sẽ không tách bạch riêng việc xác định giá trị thương hiệu, văn hoá lịch sử khi định giá. Về bản chất, đối với các phương pháp này, các giá trị đem lại từ thương hiệu, giá trị văn hoá lịch sử... đã phản ánh trong dòng tiền thuần tự do hay doanh thu, lợi nhuận đem lại cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Theo ông Lê Thanh Tuấn, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, địa bàn hoạt động nhỏ hẹp, thậm chí đang rất khó khăn, cơ bản không có lợi thế đáng kể về thương hiệu, cũng như giá trị văn hoá lịch sử. Việc thu thập các chi phí tạo lập giá trị thương hiệu trải qua rất nhiều năm dẫn đến rủi ro không thu thập được đầy đủ chứng từ, bằng chứng; hoặc doanh nghiệp thiếu hợp tác (do tỷ lệ sở hữu vốn của SCIC nhỏ), dẫn đến thời gian thẩm định giá kéo dài, tính chính xác chưa cao trong khi giá trị xác định được không đáng kể so với tổng giá trị doanh nghiệp. Do vậy, SCIC kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ bỏ nội dung này, thực hiện theo nguyên tắc thẩm định giá được Bộ Tài chính ban hành.

Để gỡ nút thắt trong việc định giá doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đức Độ cũng kiến nghị, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, điều quan trọng là phải sẵn sàng chấp nhận các biến động của thị trường trong việc định giá doanh nghiệp. Điểm then chốt là xây dựng các cơ chế đấu giá cạnh tranh, bình đẳng, cùng các cơ chế về công khai hóa, minh bạch hóa thông tin của DNNN để các lực lượng thị trường có thể định giá doanh nghiệp một cách chính xác nhất.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang