Quay lại

Áp lực đến từ nhiều phía

Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô của bộ phận Global Research của HSBC mới đây nhận định, trong khi lạm phát ở nhiều nước ASEAN (như Thái Lan và Singapore) đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều người, lạm phát nhiều khả năng không phải mối lo lớn với Việt Nam trong năm nay trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng nhưng giá lương thực, thực phẩm vẫn ổn định. “Chúng tôi tăng nhẹ dự báo mức lạm phát bình quân của năm 2022 lên 3% so với mức dự báo trước đây là 2,7%, mức này vẫn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% đặt ra”, báo cáo cho biết.

Trong khi theo TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, lạm phát tháng 1 tăng 1,94%; dự báo tháng 2 này sẽ tăng khoảng 2%. Như vậy bình quân hai tháng đầu năm đã tăng 2%. “Để dự báo lạm phát cả năm nay cần theo dõi thêm nhưng tôi cho rằng để kiểm soát được ở mức 4% không phải là đơn giản”, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng lưu ý: “Mục tiêu kiểm soát CPI năm nay dưới 4% là không hề dễ dàng. Lạm phát đang chịu áp lực tăng khá lớn của cả yếu tố “cầu kéo” và yếu tố “chi phí đẩy” do nhiều nguyên nhân”.

Ông Thỏa lấy ví dụ, những tín hiệu phục hồi của kinh tế toàn cầu khá rõ dù vẫn chịu tác động của đại dịch. Nhu cầu tiêu thụ nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng… phục vụ sản xuất theo đó gia tăng, gây áp lực đẩy giá tăng. Thực tế, lạm phát đã tăng rất mạnh ở nhiều nền kinh tế lớn trong những tháng vừa qua. Yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp kéo giá trong nước tăng lên, tạo ra lạm phát “chi phí đẩy” đối với nền kinh tế.

Trong khi kinh tế trong nước cũng bắt đầu hồi phục, kéo theo nhu cầu tiêu dùng; nhu cầu nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng, gây áp lực tăng giá… Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế với quy mô lớn nhất từ trước đến nay dự báo cũng tạo ra những áp lực từ phía tổng cầu, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến mặt bằng giá.

Đồng quan điểm như vậy, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, mức lạm phát thấp của năm 2021 một phần quan trọng là do tổng cầu âm. Nên bên cạnh yếu tố “chi phí đẩy”, áp lực đối với lạm phát năm nay còn đến từ “cầu kéo” với tổng cầu dự báo dương (thậm chí tăng mạnh) khi sức cầu phục hồi và tác động từ gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đang bắt đầu quá trình triển khai.

Lưu ý tác động của giá xăng dầu

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Bích Lâm đặc biệt lưu ý đến tác động của giá xăng dầu tăng cao dẫn đến lạm phát, bởi theo tính toán, giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng 0,36%, trong khi khiến tăng trưởng GDP sụt giảm khoảng 0,5%. Ước tính, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, nên khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

“Như vậy, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Và khi giá hàng hoá tăng cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế”, TS. Nguyễn Bích Lâm nói và lưu ý, giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm hiệu quả chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng vừa được triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, trong tổng thể các giải pháp cần được triển khai để đối phó với áp lực lạm phát đang gia tăng thì một trọng tâm là phải hóa giải được áp lực đến từ giá xăng dầu cao hiện nay. Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính và các doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu thế giới tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Chuyên gia này cũng lưu ý tới việc cần phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu cũng như phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý, qua đó góp phần phát huy hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng cần xem xét hỗ trợ giảm thuế/phí đối với xăng dầu. “Điều này có thể giúp đạt được hai mục đích cùng lúc: Kích thích sản xuất và tiêu dùng; Làm giảm sức ép lạm phát do yếu tố chi phí đẩy vốn đã kéo dài suốt gần hai năm qua”, chuyên gia này cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, để giữ được CPI năm 2022 dưới 4%, ngoài những giải pháp điều tiết giá mang tính định hướng tổng thể cần theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường và dự báo sát từng tháng, từng quý để có những giải pháp điều hành cụ thể. Trong đó, một trong những giải pháp trọng tâm cần đặc biệt quan tâm là phải bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa, dịch vụ không để xảy ra đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, cần phối hợp tốt điều hành tài khóa – tiền tệ để phục hồi nền kinh tế một cách phù hợp, tăng khả năng hấp thụ vốn vào sản xuất của nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả lượng cung tiền. Ngoài ra, bối cảnh hiện nay cũng cho thấy việc cần thận trọng xem xét và điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước đang quản lý giá như điện, nước, xăng dầu, giáo dục, y tế… Trong trường hợp bắt buộc phải điều chỉnh giá tăng, cần tránh điều chỉnh đồng loạt nhiều mặt hàng cùng lúc và cần lựa chọn thời điểm điều chỉnh thích hợp, nhất là tránh không điều chỉnh vào các dịp lễ tết, các thời điểm nhu cầu tăng cao, CPI tăng mạnh.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang