Ngày đăng: 28/08/2022
- Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm sang tuần thứ 2 liên tiếp sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát đi thông điệp cứng rắn về việc chống lạm phát, bên cạnh đó Châu Âu đang phải đối mặt với khủng hoảng về năng lượng.
- Thị trường chứng khoán trong nước hoàn tất tuần tăng thứ 7 liên tiếp trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu giảm điểm, kể từ đầu tháng 8 chỉ số Vn-Index vẫn năm trong Top các chỉ số có mức phục hồi mạnh nhất trên thế giới.
- Khác với các tuần trước đó, điểm trừ của thị trường là khối ngoại quay trở lại bán ròng sau 5 tuần mua ròng liên tiếp với giá trị 435 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại mua ròng trên sàn HSX 3.416 tỷ đồng, trong đó mua ròng thông qua khớp lệnh 2.122 tỷ đồng và mua ròng thông qua thỏa thuận 1.294 tỷ đồng.
- Dòng tiền hạ nhiệt trong tuần vừa qua với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt 13.336 tỷ đồng, giảm 5% so với tuần trước. Tổng GTGD bình quân 3 sàn đạt 18.519 tỷ đồng trong tháng 8, tăng 34% so với mức trung bình của tháng 7.
- Về kỹ thuật, Thị trường tiếp tục đi lên dù thanh khoản có dấu hiệu chững lại trong 3 tuần vừa qua, cho thấy mức độ phân hóa vẫn tích cực đủ để triệu tiêu nhóm cổ phiếu giảm và đưa chỉ số đi lên. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đang tăng lên khi chỉ số tiệm cận vùng cản tâm lý 1.300 điểm, cũng là mức hồi lại 38,2% của Fibonacci có thể sẽ tạo vùng rung lắc trong những phiên sắp tới đặc biệt là sắp gần kỳ nghỉ lễ. Vùng hỗ trợ cho thị trường ở 1.263 – 1.267 điểm, nơi có mặt của MA20 và MA100 sẽ là bước đệm cho chỉ số trong ngắn hạn với khả năng tích lũy trước khi vượt vùng cản tâm lý 1.300 điểm và đỉnh của tháng 6.
- Chiến lược đầu tư: Dòng tiền đang hướng đến các nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản như: phân bón, hóa chất, thép, đường, dầu khí… khi giá ure, phốt pho vàng, thép, đều đã tạo đáy và đi lên, bên cạnh nhóm hàng hóa cơ bản thì nhóm cổ phiếu BĐS khu công nghiệp cũng rất đáng chú ý khi các cổ phiếu đầu ngành đều đã vượt đỉnh nhờ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng. Ngoài 2 nhóm này, nhà đầu tư có thể chú ý tới nhóm cổ phiếu Ngân hàng, bất động sản…kỳ vọng tích cực hơn trong tháng 9.