Ngày đăng: 27/09/2021
- Thị trường chứng khoán toàn cầu khép lại một tuần đầy biến động với tâm điểm là cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande. Bên cạnh đó Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể cho việc cắt giảm chương trình mua tài sản trong thời gian tới. Trong đó, TTCK Mỹ và Châu Âu duy trì đà tăng tích cực ngược lại khu vực EM và Trung Quốc tiếp tục trong xu hướng đi xuống.
- Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa bứt phá khỏi vùng tích lũy đã kéo dài hơn 3 tuần vừa qua khi thị trường ít nhiều chịu tác động từ thị trường chứng khoán thế giới và dòng tiền trong nước trở nên thận trọng. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ suy yếu rất nhanh, thậm chí có hiện tượng dư bán giá sàn ở nhiều mã tăng nóng. Tuy nhiên, dòng tiền đã có tín hiệu tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng góp phần hỗ trợ thị trường trong những nhịp rung lắc.
- Thị trường tiếp tục đi ngang nhưng dòng tiền tuần qua tăng trở lại với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt 20.082 tỷ đồng, tăng 4% so với tuần trước đó. Tổng GTGD bình quân 3 sàn đạt 27.519 tỷ đồng trong tháng 9 giảm 4% so với mức trung bình của tháng 8.
- Dòng vốn ngoại bán ròng tuần thứ 7 liên tiếp nhưng đã giảm mạnh so với tuần trước đó với giá trị bán ròng 829 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX 40.574 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh 54.243 tỷ đồng và mua ròng thông qua thỏa thuận 13.669 tỷ đồng.
- Tóm lại, chỉ số VN-Index tiếp tục trong xu hướng đi ngang trong 3 tuần gần đây trong khung dao động 1.330 – 1.360 điểm trong tâm lý chờ đợi của NĐT trước thông tin vĩ mô Q3 và KQKD của các doanh nghiệp niêm yết sắp được công bố. Có lẽ sự thận trọng trước những thông tin được dự báo không mấy tích cực là hoàn toàn dễ hiểu sau thời gian giãn cách kéo dài ở hai thành phố lớn ảnh hưởng rõ nét đến tăng trưởng kinh tế và KQKD của nhiều nhóm ngành. Dòng tiền quay trở lại phân bổ tăng nhẹ ở nhóm ngân hàng, bảo hiểm nhưng mới là tín hiệu sớm và chưa thực sự mạnh.
- Chiến lược đầu tư: Thị trường tiếp tục ở trạng thái phân hóa và đi ngang trong biên độ hẹp mạnh và dòng tiền vẫn duy trì tốt ở nhóm Midcap và dòng tiền bắt đầu trở lại nhóm ngân hàng, tài chính. Do đó, NĐT có thể tiếp tục xem xét chọn lọc mua và nắm giữ với các cổ phiếu midcap và Bluechips trong nhóm Ngân hàng, bảo hiểm. Xem xét tích lũy hoặc cơ cấu danh mục ở các nhịp võng trong phiên hoặc khi thị trường điều chỉnh, không mua đuổi ở các phiên tăng, đồng thời gia tăng tỷ trọng khi thanh khoản thị trường tăng.