Quay lại

Ngày đăng: 14/04/2020

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
•       Chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm điểm trở lại khi nhà đầu tư tiếp tục cân nhắc triển vọng dịch COVID-19 trong khi thị trường chuẩn bị bắt đầu mùa báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 328,60 điểm (tương đương 1,4%) xuống 23.390,77 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1% xuống 2.761,63 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite đi ngược với xu hướng giảm điểm trên thị trường, tăng 0,5% lên 8.192,42 điểm khi cổ phiếu Netflix vọt 7% lên đỉnh 52 tuần. Trong tuần này, Johnson & Johnson, JPMorgan Chase và Bank of America là một trong số các công ty dự kiến công bố báo cáo tài chính. Do sự bùng phát của dịch bệnh, một số công ty thậm chí còn không phát hành báo cáo, trong khi một số khác hạ dự báo lợi nhuận.
•       Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 thế giới sáng 14/4. Theo số liệu của trang worldometers.info, tính đến 5h45 sáng 14/4 (theo giờ Việt Nam), 1.920.258 người ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bị nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 119.413 người đã tử vong. Số người được điều trị khỏi bệnh trên thế giới là 443.786 trường hợp. Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 với tổng số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong cao nhất thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ là 584.862 trường hợp và tổng số ca tử vong là 23.555. Trong 4 ngày qua, mỗi ngày Mỹ ghi nhận thêm khoảng 2.000 ca tử vong, chủ yếu ở trong và xung quanh thành phố New York. Ngoài Mỹ, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai do COVID-19. Tây Ban Nha có số ca mắc COVID-19 lớn thứ hai trên thế giới với 170.099 ca nhiễm và 17.756 ca tử vong. Italy đứng thứ 3 về số ca nhiễm với 159.516 ca và vẫn đứng thứ hai trên thế giới về số ca tử vong với 20.465 ca.
•       Ngày 14/4, lãnh đạo các nước ASEAN cùng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ thảo luận cách thức phối hợp để vượt qua đại dịch và giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch với kinh tế và xã hội khu vực. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ giãn nợ cho 25 quốc gia thành viên theo tiêu chí đánh giá "Ngăn chặn Thảm họa và Ủy thác Cứu trợ" (CCRT) để cho phép tập trung các nguồn lực đối phó với sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 13/4 cho biết đã tăng gấp ba lần quy mô gói ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 20 tỷ USD và thông qua các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho việc hỗ trợ được nhanh chóng và linh hoạt hơn.
•       Nga cùng với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất khác đã đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng tổng cộng gần 10 triệu thùng/ngày trong hai tháng 5-6/2020 để giúp bình ổn giá dầu, giữa bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tác động xấu đến nhu cầu nhiên liệu. Theo đó, Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, đồng ý cắt giảm khoảng 5 triệu thùng/ngày. Các thành viên khác nhất trí cắt giảm 5 triệu thùng/ngày. OPEC kêu gọi Mỹ, Canada và các nước sản xuất dầu khác cắt giảm thêm 5 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm tới 30% (tương đương 30 triệu thùng/ngày) do chính phủ các nước triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 làm giảm hoạt động của các phương tiện giao thông và nền kinh tế. Hiện giá dầu Brent đang được giao dịch vào khoảng 32 USD/thùng và giá dầu ngọt nhẹ New York đứng ở mức 23 USD/thùng, chỉ bằng khoảng một nửa so với mức hồi cuối năm 2019.

Bản tin phái sinh 14/04/2020 - Cẩn trọng các nhịp rung lắc mạnh trong phiên
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang