Báo cáo Chiến lược thị trường tuần 30/06/2025 – Tuần then chốt cho thông tin thuế quan, tâm lý thận trọng, thị trường dao động hẹp
Ngày đăng: 30/06/2025
Thị trường cổ phiếu toàn cầu đồng loạt tăng điểm trong tuần vừa qua, trong đó Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới nhờ tin thương mại. S&P 500 tăng 0,52%, đạt kỷ lục chốt phiên ở mức 6.173,07 điểm. Trong phiên, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ có lúc tăng 0,76%, đạt 6.187,68 điểm, vượt qua kỷ lục nội phiên cũ thiết lập hồi tháng 2 năm nay. Việc lập kỷ lục mới đánh dấu cú lội ngược dòng mạnh mẽ của S&P 500 kể từ mức đáy ghi nhận trong tháng 4 ở giai đoạn đỉnh điểm của chiến tranh thương mại. So với mức đáy ghi nhận vào hôm 8/4, S&P 500 hiện tăng hơn 20%. Nhờ đó, chỉ số này đã tăng 5% trong năm nay. Gần đây, nhà đầu tư vẫn mua cổ phiếu bất chấp xung đột ở Trung Đông bùng lên giữa Israel và Iran.
Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – tăng 2,7% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 2,6% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Dữ liệu này làm gia tăng mối lo ngại về sự dai dẳng của lạm phát và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong thời gian tới.
Ở thị trường hàng hóa, giá Đồng tăng mạnh +5% trong khi giá Vàng (-2,54%), Bạc (-0,1%), Dầu (-13,54%). Kể từ đầu năm, giá Đồng đang có mức tăng +27,3%, Bạc (+24,6%), Vàng (+25%), trong khi giá Dầu vẫn thấp hơn đầu năm -8% (Dầu WTI) và -10,5% (Brent).
Đối với thị trường trong nước: Chỉ số Vn-Index chốt tuần ở ngưỡng 1.371,44 điểm, tăng +22,09 điểm, tương đương tăng +1,54% so với tuần trước, ở mức giá đóng cửa chỉ số này đang ở mức cao nhất 3 năm. Nhóm cổ phiếu Midcap và Vn30 cũng tăng lần lượt +0,89% và +2,84% trong khi nhóm cổ phiếu nhỏ (Smallcap) ngược dòng thị trường và giảm – 0,24%.
Độ rộng thị trường ghi nhận một tuần tăng trên diện rộng với gần 80% số nhóm cổ phiếu tăng điểm. Một số nhóm cổ phiếu có mức tăng mạnh như: Vingroup (+9,12%), BĐS KCN (+5%), Thực phẩm (+4,98%), Thủy sản (+4,63%), … ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu Dầu khí (-3,3%), Logistics (-1,6%), Bất động sản (-0,82%), …
Thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua đạt 23.895 tỷ đồng, tăng +4,2% so với tuần trước đó, trong khi thanh khoản khớp lệnh giảm nhẹ -1,2% còn 20.303 tỷ đồng. Theo thống kê, thanh khoản kể từ đầu tháng 6 đạt 23.584 tỷ đồng, giảm -1,9% so với tháng 5 và thấp hơn gần -10,5% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, thanh khoản toàn thị trường đạt 21.105 tỷ đồng, giảm -14% so với cùng kỳ nhưng vẫn tương đương so với mức bình quân năm 2024.
Khối ngoại bán ròng -368 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm trên toàn thị trường, khối ngoại bán ròng -44.040 tỷ đồng. Tuần vừa qua khối ngoại mua ròng đối với VND (+393 tỷ đồng), SSI (+368 tỷ đồng), HPG (+298 tỷ đồng), trong khi bán ròng STB (-212 tỷ đồng), FPT (-184 tỷ đồng), … trong vòng 1 tháng trở lại đây, khối ngoại đã mua ròng: NVL (+1.043 tỷ đồng), HPG (+730 tỷ đồng), trong khi bán ròng VHM (-1.866 tỷ đồng), STB (-1.201 tỷ đồng), v.v…
Độ rộng thị trường ghi nhận gần 80% nhóm cổ phiếu tăng giá, dòng tiền tăng và tạo hiệu suất tốt ở các nhóm cổ phiếu như: Chứng khoán, Dệt may, Bán lẻ, Thực phẩm, Thủy sản, Đầu tư công, Sản xuất và phân phối điện, BĐS KCN và Cao su tự nhiên.
Về định giá, chỉ số P/E (ttm) của thị trường hiện tại ở mức 13,96 lần, đã tăng từ mức 12,4 lần đầu tháng 5 nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn đầu tháng 4(14,6 lần), bên cạnh đó thị trường đang ở mức định giá thấp hơn 16,8% so với trung bình lịch sử (16,78), là cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn.
Nhận định thị trường: Chứng khoán thế giới đang được hỗ trợ bởi tin tốt từ thương mại: Theo thông tin từ Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick ngày 26/6, Mỹ và Trung Quốc đã hoàn tất thỏa thuận thương mại khung. Ngày 27/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Mỹ dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận thương mại với 18 đối tác lớn ngoài Trung Quốc trước ngày 1/9. Các quan chức Mỹ hiện đang đàm phán tích cực với các nền kinh tế như Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Chỉ số Vn-Index đã vượt hẳn vùng đỉnh 1.360 điểm, lên mức cao nhất 3 năm nhưng thanh khoản không tăng. So với tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6, khi Vn-Index ở vùng 1.350 điểm, thanh khoản thị trường đều đạt trên ngưỡng 25.500 tỷ đồng nhưng 3 tuần gần đây thanh khoản chưa tới 23.000 tỷ đồng. Tuần vưa qua, mức tăng chủ yếu của thị trường chủ yếu tập trung ở 2 phiên đầu tuần, sau đó thị trường dao động trong biên độ hẹp và thanh khoản cũng giảm từ ngưỡng 26.600 tỷ đồng về còn 22.000 tỷ đồng ở 3 phiên cuối tuần. Mức giảm thanh khoản thị trường cũng thể hiện ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt như Vingroup, dòng tiền ròng đã có dấu hiệu giảm 5 tuần liên tiếp, bên cạnh đó mức tập trung vốn cũng giảm từ tỷ trọng 8% toàn thị trường về còn 5,1% ở tuần vừa qua. Tín hiệu tích cực đối với thị trường là độ rộng vẫn khá tích cực bất chấp thanh khoản giảm nhưng dòng tiền đang có sự lan tỏa, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu xuất khẩu, hoặc nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi thuế quan đầu tháng 4 vừa qua. Các nhóm cổ phiếu như: Thủy sản, Dệt May, BĐS KCN, Cao su tự nhiên và Thực phẩm đang thu hút dòng tiền sang tuần thứ 2 liên tiếp. Đáng chú ý trong nhóm cổ phiếu đang thu hút dòng tiền là nhóm Thực phẩm (MSN, VNM, SAB, MCH), ngoài mức dòng tiền ròng tăng liên tiếp từ 30 – 40% trong 2 tuần vừa qua thì tỷ trọng vốn cũng tăng từ mức 2,8% cuối tháng 5 lên mức 6,5% ở tuần vừa qua. Bên cạnh các này, nhóm cổ phiếu thiên về nội địa cũng rất đáng lưu ý như: Đầu tư công, Bán lẻ, Chứng khoán, Ngân hàng, v.v… Nhìn chung, tuần này là tuần then chốt đối với mức thuế đối ứng, với tín hiệu thanh khoản giảm dù chỉ số Vn-Index vượt hẳn vùng đỉnh 1.360 điểm, cho thấy tâm lý chờ đợi thông tin rõ ràng hơn sẽ tiếp tục chi phối thị trường, bối cảnh như vậy có thể thanh khoản sẽ tiếp tục giảm ở tuần này. Như đã trao đổi ở báo cáo tuần trước, kịch bản tích cực cho thị trường là mức thuế đối ứng cho Việt Nam dưới ngưỡng 15,5%, mức thuế đối với kịch bản cơ sở sẽ nằm trong khoảng 15 -20%. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng mức thuế đối ứng sẽ được áp dụng cụ thể cho các mặt hàng cơ sở (nội địa cao) và các hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Đối với các mặt hàng cơ sở (thuần túy trong nước hoặc nội địa hóa cao) sẽ có mức thuế đối ứng thấp hơn so với các hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Về kỹ thuật, chỉ số Vn30 sau 2 tuần tăng mạnh đang tiến về vùng đỉnh cao lịch sử 1.500 – 1.545 điểm, thị trường cơ sở sẽ có phản ứng thận trọng ở chỉ số, khả năng sẽ đi ngang trong biên độ hẹp để chờ đợi thông tin, vùng cản đáng chú ý ở khu vực 1.380 – 1.386 điểm, trong khi vùng hỗ trợ ở khu vực 1.350 – 1.356 điểm.
Chiến lược giao dịch: Thị trường đang đặt cược vào kết quả tích cực đối với mức thuế đối ứng nhưng có sự phân loại theo xuất xứ hàng hóa. Sau thông tin thuế sẽ là mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên. Nhóm cổ phiếu hướng về nội địa vẫn đáng chú ý, bên cạnh đó nhà đầu tư có thể phân bổ tỷ trọng đối với nhóm đang thu hút dòng tiền như: Xuất khẩu, Thực phẩm, Bán lẻ.
Báo cáo liên quan
Quý khách chưa có tài khoản MBS?
Mở tài khoản ngayĐể bắt đầu giao dịch và cập nhật kịp thời các thông tin và báo cáo giá trị từ MBS.
Quý khách đã có tài khoản MBS vui lòng đăng ký để nhận báo cáo từ MBS.
Cập nhật thông tin thị trường và thông tin doanh nghiệp mới nhất từ MBS.