Ngày đăng: 14/09/2020
Thị trường cổ phiếu toàn cầu tuần qua đã có một khởi đầu đầy thuận lợi nhờ những số liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc. Tuy nhiên việc các NHTW lớn hầu như chỉ tái khẳng định lập trường chính sách tiền tệ hiện có mà không hứa hẹn thêm về những biện pháp kích thích mới khiến xu hướng phục hồi trên thị trường Mỹ và châu Âu suy yếu, đồng thời hạn chế đà tăng của cổ phiếu châu Á.).
Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư toàn cầu trong tuần qua rơi vài kỳ họp chính sách của các NHTW lớn (gồm Fed, BOJ và BOE). Tuy nhiên, thị trường đã không nhận thêm tín hiệu về một chính sách kích thích tiền tệ mới nào ngoài lời tái khẳng định về lập trường chính sách mềm mỏng hiện tại của các NHTW. Trong đó, kết quả kỳ họp chính sách mới nhất của NHTW Mỹ cho thấy Fed tiếp tục duy trì lãi suất gần ngưỡng 0% ít nhất đến năm 2023, đi kèm với những thông tin chi tiết về khung chính sách mới của Fed cho phép lạm phát vượt ngưỡng 2% trong tương lai để đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong dài hạn.
Đối với TTCK Việt Nam
Thị trường đã nối lại đà tăng trong tuần vừa qua, chỉ số VN-Index đóng cửa vượt lên trên ngưỡng kháng cự tâm lý 900 điểm tạo ra tâm lý khá tích cực. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh 3 tuần liên tiếp, đáo hạn hợp đồng tương lai trong nước và kỳ tái cơ cấu của các quỹ ETFs diễn ra tuy nhiên diễn biến giao dịch lại nghiêng về phía tích cực hơn là sự thận trọng trước đó của NĐT.
Không có quá nhiều áp lực hay biến động bất thường lên chỉ số sau một tuần nhiều thông tin nhiễu động, chuỗi tăng 6/7 tuần vừa qua giúp VN-Index khá vững vàng trước vùng cản mạnh 905 điểm. Đây là vùng giao dịch tỷ USD tại vùng đỉnh tháng 6/2020 do vậy việc đi ngang tích lũy quanh mức 890 - 900 điểm trong 3 tuần gần đây sẽ tạo mặt bằng giá mới trước khi vượt qua vùng kháng cự này.
Về xu hướng dòng tiền: Giá trị giao dịch khớp lệnh tuần vừa qua tăng nhẹ gần 2% đạt mức bình quân 5.240 tỷ đồng/phiên. Đây cũng là tuần thứ 4 liên tiếp thanh khoản thông qua GDKL duy trì trung bình trên 5..400 tỷ mức cao hơn hẳn so với giai đoạn tháng 6 và tháng 7. Dòng tiền tiếp tục duy trì tích cực ở nhóm cổ phiếu Midcap khi tiếp tục tăng 20% vào nhóm này so với tuần trước. Trong khi đó mặt bằng giá cũng tăng cao nhất thị trường với 2.45% qua đó nối dài mạch tăng điểm sang tuần thứ 7 liên tiếp, ghi nhận chuỗi tăng theo tuần dài nhất kể từ đầu năm.
Việc đánh giá thị trường qua chỉ số VN-Index lúc này chưa phản ánh hết bức tranh chung đang dần tích cực hơn. Theo thống kê trên sàn HSX, có tới gần 60% số mã đã vượt ngưỡng 905 điểm. Điều đó cho thấy độ rộng thị trường là rất tích cực, bên cạnh đó % số mã nằm trên ngưỡng MA200 lúc này cũng đang ở mức cao với 73% so với mức 60% khi VN-Index đạt mức 905 điểm hồi tháng 6. Như vậy đã có nhiều cổ phiếu tham gia vào nhịp tăng 6/7 tuần vừa qua hơn thời điểm thị trường đạt đỉnh ở tháng 6 vừa qua. Ngoài ra, các cổ phiếu có thành quả tốt ở đợt tăng này nằm chủ yếu ở nhóm mdicap, khác với nhịp tăng hồi tháng 6 nhịp tăng có sự tham gia của nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ.
Cho tới thời điểm này, chỉ số VN-Index vẫn còn cách thời điểm đầu năm 6,25% trong khi đã có rất nhiều nhóm cổ phiếu đã trở về lại vùng giá trước đại dịch, thậm chí còn tăng vượt thời điểm đầu năm khá xa. Với độ rộng thị trường tích cực như vậy, việc thị trường vượt vùng cản 900 – 905 điểm thực chất chỉ mang tính tâm lý, cũng không có nhiều ý nghĩa khi đa phần các cổ phiếu đã và đang ở trên ngưỡng này.
Tác động ngắn hạn lúc này là diễn biến điều chỉnh của TTCK Mỹ với 3 tuần giảm liên tiếp và cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn hơn 1 tháng nữa, thị trường chứng khoán thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có 3 tuần điều chỉnh với mức giảm khoảng 7.5% và về gần vùng hỗ trợ 23.6% của Fibonacci do đó có thể sẽ sớm có nhịp phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, quan sát diễn biến điều chỉnh của chứng khoán Mỹ trong thời gian gần đây, phần lớn do ảnh hưởng từ áp lực điều chỉnh của nhóm cổ phiếu công nghệ khi đã tăng quá nóng, và tuần vừa qua là ảnh hưởng khi đáo hạn các hợp đồng phái sinh và quyền chọn. Về cơ bản, mức điều chỉnh trong thời gian qua là hoàn toàn mang tính kỹ thuật sau những giai đoạn tăng mạnh và ít có tác động mạnh đến các thị trường khác như Châu Âu và Châu Á. Trong bối cảnh nới lỏng tiền tệ và kích tích tài khóa vẫn tiếp tục được duy trì ở các NHTW lớn thì việc dòng tiền rẻ vẫn là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán duy trì tăng trưởng tích cực.
Kịch bản tuần tới sau khi đáo hạn HĐTL và cơ cấu danh mục ETFs kết thúc sẽ là sóng KQKD Q3 và những hỗ trợ kích cầu chi tiêu công của Chính phủ cũng như khả năng hạ mặt bằng lãi suất, tái khởi động kết nối với các nước trong khu vực khi đã kiểm soát khá tốt Covid-19 ở trong nước. Do đó, VN-Index vẫn sẽ duy trì tín hiệu giao dịch tích cực với kịch bản chính sẽ dao động quanh mức từ 890 điểm đến 920 điểm.
Chiến lược đầu tư: Duy trì nắm giữ cổ phiếu, tăng tỷ trọng nếu thị trường vượt thành công đỉnh 905 điểm với thanh khoản cao, chốt lời đối với các cổ phiếu midcap khi chuỗi tăng đã dài nhất kể từ đầu năm. Cơ cấu danh mục trong các nhịp rung lắc và dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao, nền tảng cơ bản tốt và xem xét chốt lời dần khi thị trường tiệm cận vùng 920 điểm.
Cơ hội đầu tư: Ngắn hạn, cơ hội đầu tư sẽ tiếp tục phân hóa và tập trung ở một số nhóm ngành như Chứng khoán( HCM, SSI, VCI); Logistics (GMD, VSC), BĐS (HDG, NLG…), Vincom (VHM, VRE), Ngân hàng (VCB, VPB, VIB, TPB, HDB, CTG, ACB), Bán lẻ (MWG, PNJ, FRT), Vật liệu xây dựng (BMP, VCS, C32, KSB); Thủy sản(VHC, CMX, ANV), Thực phẩm (MSN, DBC, GTN, VNM, MLS, PSL), Hóa chất (DPM, CSV, DGC, BFC, PLC, LIX ), Dệt may (GIL, TCM, TNG); SX&PP điện: (REE, NT2, CHP, TMP), BĐS KCN (D2D, DTD, LHG, PHR, SZC)…