Diễn biến thị trường tuần qua cho thấy xu hướng giảm của cả hai chỉ số đã tạm thời chững lại do một số nguyên nhân chính như: (1). NDTNN bắt đầu giảm bán và xuất hiện tín hiệu mua trở lại về cuối tuần; (2). Một số cổ phiếu vốn hóa lớn hồi phục trở lại; (3). Thanh khoản suy giảm do NDT thận trọng chờ đợi thông tin tỷ giá.
Diễn biến dòng tiền trong tuần qua vẫn tiếp tục trong xu hướng duy trì ở mức yếu khiến thanh khoản chung của toàn thị trường giảm mạnh. Thị trường trong vùng trống thông tin hỗ trợ cùng với diễn biến tỷ giá vẫn đang khá căng thẳng khiến NDT vẫn chủ yếu trong trạng thái quan sát. Trong đó, tỷ giá ở các ngân hàng lớn vẫn đang ở mức kịch trần khiến NDT lo ngại về khả năng điều chỉnh tỷ giá có thể sớm diễn ra trong ngắn hạn. Đây chính là yếu tố khiến dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài thị trường mặc dù giá của nhiều cổ phiếu đã giảm về mức khá hấp dẫn.
Về diễn biến khối ngoại, mặc dù tuần này vẫn là một tuần bán ròng liên tiếp với tổng giá trị bán ròng trên toàn thị trường ở mức 108 tỷ đồng, và chủ yếu tập trung trên HSX với giá trị ròng đạt -136,51 tỷ đồng. Tuy nhiên, tín hiệu mua ròng đã bắt đầu xuất hiện trở lại trên HSX về cuối tuần với giá trị ròng đạt 48,45 tỷ đồng. Mặc dù con số không lớn nhưng nó đang báo hiệu tín hiệu tích cực hơn sau thời gian dài bán ròng liên tiếp của khối ngoại, đặc biệt trên HNX họ đã mua ròng 4 trên 5 phiên liên tiếp trong tuần qua. Điều này cũng là một tín hiệu cho thấy thị trường có thể đã qua vùng khó khăn nhất do ảnh hưởng trực tiếp dưới áp lực bán của khối ngoại và trong giai đoạn tích lũy chờ đợi các tín hiệu mới.
Bên cạnh đó, tín hiệu hồi phục sớm cũng bắt đầu diễn ra ở một số nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VIC, MSN, BVH…khi bắt đầu có tín hiệu tăng khá tốt trở lại trong tuần qua. Xem xét từ lực mua ròng của NDTNN vào VIC, VCB và BVH cho thấy có những tác động đáng kể tới xu hướng giá. Riêng trường hợp của MSN mặc dù nằm trong top bán ròng của tuần qua nhưng thông tin Shingha Asia Holding đầu tư 1,1 tỷ USD vào bia Masan có lẽ là yếu tố giúp MSN có phiên giao dịch bùng nổ về cuối tuần.
Một số thông tin kinh tế vĩ mô vừa được công bố vào cuối tuần qua cho thấy tín hiệu khá lạc quan như CPI duy trì ở mức thấp 0,6% ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 15 năm, GDP tăng trưởng 6,68% cao nhất trong vòng 5 năm, thu hút vốn FDI đạt 22,76 tỷ USD tăng 12,5% so với cùng kỳ 2014 . Nhưng bên cạnh đó, con số nhập siêu cả năm 2015 là 3,2 tỷ USD và nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 32,3 tỷ USD tăng 12,5% so với năm trước tiếp tục sẽ là thông tin gây áp lực lên tỷ giá. Lãi suất huy động tiếp tục tăng lên ở các ngân hàng lớn như VPBank, BIDV, VietinBank cũng là thông tin đáng chú ý với mức tăng dao động từ 0,2% - 0,5%.
Về cơ bản, dòng tiền thị trường hiện tại vẫn đang thận trọng, trong đó một bộ phận dòng tiền lớn đang có xu hướng đón đầu làn sóng IPO, thoái vốn của nhà nước mà thương vụ giao dịch GEX trong tuần qua là một ví dụ điển hình. Sắp tới, còn các ông lớn chuẩn bị CPH như Mobifone, Tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…Chưa kể hàng loạt các vụ chuyển nhượng vốn lớn khác đang là yếu tố thu hút dòng tiền lớn của thị trường tham gia tại thời điểm này.
Về kỹ thuật, thị trường đang xuất hiện các yếu tố cho thấy thị trường đang tạo lập mặt bằng tại vùng đáy và nếu vùng 560-565 vẫn được giữ vững thì đây là vùng điểm mua tích lũy dần cho trung hạn. Nếu trường hợp điều chỉnh tỷ giá xảy ra, chúng tôi cho rằng thị trường càng nhanh tạo đáy và hồi phục đi lên do đó đây chính là cơ hội mua cổ phiếu tốt có KQKD Q4 dự kiến khả quan với giá hợp lý. Ưu tiên lựa chọn đối với cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt như cổ phiếu ngành Ngân hàng/bảo hiểm, bất động sản, dệt may, vật liệu xây dựng, nhựa/hóa chất:
- Ngân hàng và bảo hiểm: VCB, MBB, BVH, PVI…
- Bất động sản/Hạ tầng khu công nghiệp: VIC, ITA, KBC…
- Dệt may: TNG, TCM…
- Vật liệu xây dựng: CVT, HSG…
- Hàng tiêu dùng: VNM, MWG
- Cảng biển: DVP, VSC, PDN
- Nhựa/Hóa chất: BMP, NTP, DPM, LAS, DGC…
- Hưởng lợi từ giá dầu giảm: PLC, SKG…