Quay lại

Ngày đăng: 19/10/2015

Tuần qua, mặc dù thị trường đón nhận một số thông tin khá tích cực như UBCK rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống còn T+2; GDP năm 2015 được dự báo tăng trưởng trên 6,5% hay hiệp định TPP được tái khởi động đang có những tiến triển khả quan nhưng gần như không có tác động nào đáng kể nào tới diễn biến giao dịch. Trong khi đó, lực cầu tiếp tục có tín hiệu suy yếu, khi thanh khoản giảm 18% so với tuần trước. VN-INDEX giảm xuống dưới MA20 sau khi giảm 1,41% dừng ở mức 562.31 điểm.

Diễn biến giao dịch đầu tuần khá thận trọng trước thông tin NHNN hạ lãi suất huy động USD đối với tổ chức còn 0%/năm và cá nhân là 0,25%/năm. Điều này tiếp tục giấy lên lo ngại USD khả năng tiếp tục căng thẳng bởi quyết định này về bản chất làm giảm tính hấp dẫn của việc gửi tiết kiệm bằng USD và tăng lợi thế cho việc gửi tiền bằng VND. Bên cạnh đó, theo thông tin từ TBKTSG, khi cho rằng NHNN đã có thể bán ra hơn 7 tỷ USD để bình ổn thị trường cũng là một thông tin cho thấy NHNN đang đẩy mạnh bình ổn tỷ giá.

Thông tin tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm là tích cực nhưng không đủ mạnh để tác động đến thị trường trong thời điểm này khi những yếu tố vĩ mô khác đang cho thấy bức tranh kinh tế không hoàn toàn là màu hồng. Chỉ số PMI tháng 9 vừa công bố đã giảm khá mạnh lần đầu tiên sau 25 tháng duy trì trên mốc 50 điểm. Nhu cầu toàn cầu yếu đi khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm tháng thứ 4 liên tiếp với tốc độ nhanh thứ nhì lịch sử của chỉ số này. Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước cũng đang có tín hiệu suy giảm cùng với việc giảm giá đầu vào trong lĩnh vực sản suất đã khiến CPI tháng 9 giảm 0,21%.

Bên cạnh đó, Bộ kế hoạch và đầu tư tính toán lại nợ công trong năm 2014 đã lên mức 66.4% GDP. Trong đó, tỷ lệ tổng nghĩa vụ trả nợ công/thu NSNN tiếp tục trong xu hướng tăng cao khi lên tới gần 38% trong năm 2014 và 45% năm 2015 ảnh hưởng lớn đến an toàn nợ công. Trong đó, thông tin NHNN đã chuyển khoản cho Bộ tài chính vay “nóng” gần 30.000 tỷ đồng càng cho thấy NSNN đang gặp khó khăn lớn sau các đợt phát hành TPCP liên tiếp không thành công.

Chính các yếu tố này, cùng với việc lo ngại dòng vốn nước ngoài tiếp tục rút ra khỏi khu vực Châu Á do lo ngại kinh tế Trung Quốc có thể hạ cánh cứng sẽ ảnh hưởng đến khu vực này trước khả năng tăng lãi suất của Fed sắp tới đã khiến chỉ số CDS của các nước trong khu vực và Việt Nam tăng cao trở lại. Chỉ số CDS đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ trái phiếu Chính phủ (TPCP) của Việt Nam đã lên mức trên 300 điểm – mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây cho thấy NDT nước ngoài đang khá lo ngại về yếu tố vĩ mô của Việt Nam trong thời gian gần đây như Nợ công/tỷ giá/giảm phát... Những thông tin này đã tác động đến giao dịch của khối ngoại và họ tuần bán ròng mạnh tuần thứ 2 liên tiếp với giá trị 281,37 tỷ đồng trên cả hai sàn và tập trung chủ yếu trên HSX với giá trị ròng đạt 266,21 tỷ đồng.

Về diễn biến dòng tiền & cổ phiếu, nhóm cổ phiếu ngân hàng(VCB, CTG, MBB, ACB…) tuần qua tiếp tục trong xu hướng sideway và điều chỉnh giảm nhẹ. Cùng với việc cổ phiếu dầu khí(GAS, PVD…) giao dịch khá ảm đạm đã khiến chỉ số gần như đi ngang trong biên độ hẹp. Trong bối cảnh thị trường lình xình, dòng tiền thông minh có xu hướng tập trung vào các cổ phiếu tăng trưởng và được định giá tốt, và có thể thanh khoản chỉ ở mức vừa phải điển hình như: BMC, DMC, CTD, PAC, VCS, SKG, PGD, SVC, VSI…Đây là tín hiệu khá tích cực khi cho thấy khả năng dòng tiền thị trường sẽ phân hóa và tập trung vào các cổ phiếu có KQKD Q3 dự kiến tích cực.

Tâm điểm của thị trường trong tuần tới là kết quả của vòng đàm phán TPP tại Atlanta với hai nút thắt chính đang còn nhiều bất đồng về mở cửa thị trường đối với các sản phẩm bơ sữa và thời gian bảo hộ độc quyền đối với thuốc sinh học (sinh dược). Việc Mỹ và Autralia đạt được thỏa thuận thỏa về thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược là đột phá của vòng đàm phán này. Giới phân tích cho rằng, nếu vòng đàm phán TPP tại Atlanta lần này không đạt được thỏa thuận cuối cùng thì tiến trình đàm phán TPP vẫn có thể ký kết trong năm nay và có thể là yếu tố tạo ra sự đột phá cho thị trường về cuối năm.

Về kỹ thuật, tuần qua VN-INDEX dao động lình xình trong biên độ hẹp 560-565 điểmvới diễn biến không tích cực khi giảm xuống dưới trung bình động MA20. Bên cạnh đó, Boillinger Band có tín hiệu co hẹp cho thấy xu hướng thị trường đang tích lũy và sắp chuyển sang giai đoạn mới. Ngắn hạn các chỉ số vẫn tiếp tục biến động trong kênh dao động với VN-Index là vùng 555-575 điểm và với HNX-Index là vùng 77-79 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn suy yếu ở mức trung bình thấp cũng cho thấy trạng thái sideway này chỉ kết thúc khi thị trường vượt qua ngưỡng cản tâm lý 575 điểm hoặc giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ mạnh 555 điểm. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư duy trì danh mục ở mức cân bằng 50/50 cổ phiếu và tiền mặt đồng thời theo dõi diễn biến của thị trường để có phản ứng phù hợp. Nếu TPP được thông qua có thể mới tạo được cú huých đủ mạnh để đẩy thị trường vượt cản chuyển sang một nhịp tăng mới.

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang