Ngày đăng: 05/12/2016
Diễn biến thị trường quốc tế:
Tuần qua chứng khoán mỹ tiếp tục dao động trên vùng đỉnh và có sự phân hoá ở các chỉ số khi kết thúc tuần chỉ số Dow Jones tăng 0,1%, trong khi S&P 500 giảm 1% và Nasdaq Composite giảm 2,7% so với giá trị đóng cửa cuối tuần trước. Trong tuần báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực tư nhân và khu vực công đã tạo ra nhiều việc làm hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế trong tháng 11/2016, qua đó củng cố kỳ vọng Fed nâng lãi suất tại cuộc họp ngày 13-14/12/2016.
Gía dầu thế giới đã có tuần biến động mạnh trong tuần với những thông tin hỗ trợ tích cực đến khá bất ngờ. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI đã tăng 12,2%, mức tăng mạnh nhất từ đầu năm 2009 cho đến nay để kết thúc tuần ở mức giá 51,68 USD/thùng. Chỉ tính riêng 2 phiên cuối tuần, giá dầu WTI đã tăng gần 13% khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga đã chính thức đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Thoả thuận này đạt được vào phút trót đã khiến toàn bộ thị trường bất ngờ bởi trước đó rất nhiều dự báo đã cho rằng OPEC sẽ khó đạt được thoả thuận hạn chế sản lượng trong thời điểm này và có lúc giá dầu đã giảm tới hơn 4% trong tuần khi đa số nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với thông tin này.
Các hợp đồng vàng tương lai tăng nhẹ trong ngày thứ Sáu, xóa bớt phần nào đà giảm trong tuần qua khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ suy yếu sau báo cáo việc làm hàng tháng. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao tháng 2 tăng 8,40 USD (tương đương 0,7%) lên 1.177,80 USD/oz. Được biết, tháng 11/2016 được xem là tháng giá vàng có mức giảm mạnh nhất về phương diện phần trăm kể từ tháng 6/2013
Trong phiên cuối tuần, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác hạ 0,3% xuống 100,77, qua đó nâng tổng mức giảm trong tuần lên gần 0,7%. Trong thời gian gần đây, đồng USD đã giảm trở lại sau khi tiến sát mức cao nhất kể từ năm 2003.
Diễn biến thị trường trong nước:
Diễn biến giao dịch tuần từ 28/11-02/12/2016, chỉ số chung VNX-Index giảm 13,43 điểm (-1,38%) xuống 957,89 điểm. Trong đó, chỉ số VN-Index giảm 10,73 điểm (-1,59%) xuống 665,14 điểm và chỉ số HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,22%) lên 81,17 điểm. Thanh khoản thị trường tăng trên hai sàn. Theo đó, khối lượng giao dịch trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 128 triệu đơn vị/phiên tăng 12,28% so với tuần giao dịch trước; sàn HNX đạt hơn 48 triệu cổ phiếu/phiên tăng 45,63% so với tuần giao dịch trước.
Về diễn biến thị trường trong tuần, các chỉ số đã có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng điểm, trong đó hai chỉ số giảm điểm khá mạnh trong 2 phiên đầu tuần khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng ở các mã cổ phiếu trụ cột như VNM, VIC, MSN, SSI, BVH, DPM, PVD,… khiến các mã này đều giảm điểm khá sâu kéo theo sự suy giảm chung của các chỉ số, trong đó chỉ số VN-Index có thời điểm lùi về dưới ngưỡng hỗ trợ 660 điểm.
Cổ phiếu VNM tiếp tục thu hút sự chú ý khi giao dịch của khối ngoại tập trung phần lớn vào cổ phiếu này trong tuần, cụ thể: tổng giá trị bán của khối ngoại tại VNM đạt hơn 1.331 tỷ đồng và tổng giá trị mua đạt hơn 1.287 tỷ đồng, tính chung khối ngoại vẫn bán ròng 43,5 tỷ đồng VNM trong tuần, mức bán ròng này là khá thấp so với mức bán ròng hơn 583 tỷ đồng VNM của khối ngoại trong tuần trước. Điểm bất ngờ trong giao dịch của VNM tuần qua sau khi giảm mạnh 2 phiên đầu tuần là sự xuất hiện lực mua lớn cổ phiếu này với giá trị mua gần 610 tỷ đồng tương ứng 4,35 triệu cổ phiếu chỉ trong 1 phiên ngày 30/11/2016, chính lực mua này đã giúp giao dịch của khối ngoại thu hẹp giá trị bán ròng VNM và giúp giá cổ phiếu VNM hồi phục trở lại vùng giá 135.000 đ/cp sau khi đã giảm về thấp nhất là 129.000 đ/cp.
Sau 2 phiên giảm mạnh đầu tuần, các chỉ số đã có sự hồi phục trở lại trong 2 phiên giao dịch giữa tuần với động lực chính là sự hồi phục của nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 nói chung và giá cổ phiếu VNM nói riêng. Ngoài ra, diễn biến tăng mạnh trở lại của nhóm cổ phiếu dầu khí sau khi đón nhận thông tin tích tích cực từ sự tăng mạnh trở lại của giá dầu thế giới lên mức 50 USD/thùng sau khi OPEC đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày. Điều này đã giúp tâm lý thị trường trở lên tích cực hơn, nhiều cổ phiếu lớn như VNM, VIC, GAS, PVD, SSI, HPG, HSG, MSN, ROS…đã đồng loạt tăng giá giúp thị trường trở lại trạng thái cân bằng hơn sau các phiên giảm mạnh. Phiên cuối tuần, diễn biến giao dịch trở lại trạng thái giao dịch giằng co với hiệu ứng phiên cuối tuần thể hiện rõ nét.
Tính chung cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 686 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, họ bán ròng trên HSX với 615 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với 71 tỷ đồng. Trên sàn HSX, lực bán tập trung tại các mã bluechip như VNM, HPG, MSN, VIC, SSI,…Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng nhiều các mã như PVS, IVS, VCG… Trong tuần qua quỹ VNM ETF bị rút ròng 900.000 CCQ tương ứng giá trị hơn 11,9 triệu USD, và quỹ FTSE ETF cũng bị rút ròng hơn 400.000 CCQ tương ứng giá trị hơn 8,5 triệu USD. Như vậy, tổng giá trị rút ròng của 2 quỹ ETFlà hơn 20,4 triệu USD tương ứng khoảng 450 tỷ và góp phần lớn vào tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong tuần qua.
Trong ngắn hạn, hoạt động bán ròng của khối ngoại đang là yếu tố chính tác động tới diễn biến thị trường, tuy nhiên, tuần tới chúng tôi cho rằng động thái bán ròng của khối ngoại sẽ giảm bới, bởi trong diễn biến mới nhất quỹ FTSE ETF đã công bố danh mục cơ cấu cho đợt review tháng 12/2016, theo đó quỹ này sẽ thêm mới cổ phiếu CII và loại ra các cổ phiếu STB, HNG, PGD, HHS. Do số mã bị loại có tổng giá trị lớn hơn khá nhiều mã thêm mới nên đa số các bluechip khác trong danh mục của FTSE ETF sẽ được mua thêm tăng tỷ trọng như VCB, HPG, HSG, SSI, PVD… chỉ có 2 mã lớn bị giảm tỷ trọng là VIC và MSN.
Chi tiết cơ cấu danh mục của FTSE ETF được gửi theo file đính kèm email này
Về mặt kỹ thuật:
Trong tuần qua tiếp tục ghi nhận áp lực bán gia tăng trên sàn HSX, nhất là lực cung của nhà đầu tư nước ngoài khi khối này bán mạnh các mã bluechips, đẩy chỉ số VN-Index lùi xuống dưới đường MA20 ngày tương ứng ngưỡng 668 điểm. Trong khi đó trến sàn HNX, chỉ số HNX-Index có tuần hồi phục tích cực sau khi kiểm nghiệm thành công vùng hỗ trợ 80 điểm để kết thúc tuần ở 81,5 điểm. Điểm tích cực trong tuần qua là việc các chỉ số đã dần hình thành các vùng cân bằng quanh các ngưỡng hỗ trợ mạnh như 650 +/-5 điểm với Vnindex và 80 điểm với HNXindex, việc các chỉ số hồi phục tích cực trở lại sau khi chạm các vùng hỗ trợ này cho thấy sức cầu khá tốt đang sẵn sàng tham gia khi thị trường có sự điều chỉnh phù hợp.
Chiên lược giao dịch tuần tới:
Trong tuần tới, khả năng hai chỉ số có thể dao động tích luỹ trong vùng 660-670 điểm với VN-Index và 81-82 điểm với HNX-Index trong các phiên đầu tuần, trước khi có sự hồi phục rõ ràng hơn về cuối tuần. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư duy trì danh mục an toàn và có thể mở trạng thái mua thăm dò khi các tín hiệu tạo đáy và hồi phục của thị trường thể hiện rõ nét hơn.