Quay lại

Ngày đăng: 15/08/2016

Điểm nhấn quan trọng:

•  Các chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục lập đỉnh mới trong tuần qua nhờ số liệu kinh tế tích cực và FED tiếp tục không tăng lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế và để ứng phó với sự kiện Brexit trong thời gian tới.

•  Các chỉ số chứng khoán Châu Âu cũng tiếp tục xu thế tăng điểm từ sau sự kiện Brexit diễn ra, đây là kết quả của những động thái gần đây của các NHTW: NHTW Anh(BOE) giữ nguyên lãi suất và phát tín hiệu về khả năng tung gói kích thích trong tháng 8, Đồng thời NHTW Châu Âu (EU) đang chuẩn bị các giải pháp cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế khu vực trong mọi tình huống.

•  Chỉ số chứng khoán Nhật cũng có tuần tăng điểm tích cực khi NHTW Nhật (BOJ) đang chuẩn bị tung thêm gói kích thích kinh tế mới.

•  Các chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-INDEX, HNX-INDEX có tuần điều chỉnh giảm mạnh sau khi tạo đỉnh trong tuần trước, áp lực bán gia tăng tại nhóm cổ phiếu trụ cột là nguyên nhân chính cho sự điều chỉnh này.

•  Dự báo: Sau tuần giảm điểm mạnh vừa qua, và tín hiệu dòng tiền bắt đáy trở lại vào phiên cuối tuần thì nhiều khả năng các chỉ số có thể có sự hồi phục kỹ thuật ngắn hạn trong tuần sau, mặc dù vậy xu thế giảm từ đỉnh vẫn đang hình thành khá rõ và nhịp hồi phục kỹ thuật cần được quan sát kỹ để đánh giá xu thế thị trường trong trung hạn.

•  Khuyến nghị: Không mua đuổi giá, Cơ cấu danh mục cân bằng, hạn chế dùng margin tỷ lệ cao và giảm hoạt động trading ngắn hạn. Có thể xem xét giảm tiếp tỷ trọng cổ phiếu khi nhịp hồi phục của thị trường có tín hiệu suy yếu.

DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Sau khi tạo đỉnh trong tuần trước với mức 681 điểm của Vnindex và 88 điểm của Hnxindex, thì cả hai chỉ số đã giảm mạnh trong tuần này, cụ thể: Vnindex kết thúc tuần với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm điểm, đóng cửa ở mức 649 điểm, giảm 2,3% so với đóng cửa cuối tuần trước. Hnxindex cũng kết thúc tuần với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm điểm, đóng cửa ở mức 84 điểm, giảm 3% so với đóng cửa cuối tuần trước.

Áp lực bán tăng cao trong tuần này đã khiến các chỉ số chứng khoán Việt Nam đi ngược với xu thế tăng điểm của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… Chúng tôi nhận thấy áp lực bán gia tăng trên diện rộng và đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VCB, VNM, VIC, BVH, GAS, PVD, HPG, HSG, BID, CTG, PVS, SCR, VCG… Và là nguyên nhân chính khiến các chỉ số giảm điểm sâu trong tuần, có thời điểm Vnindex giảm về mức 640 điểm và Hnxindex giảm về mức 83 điểm, mức thấp nhất trong hơn 3 tuần trở lại đây.

Ngoài nhóm vốn hóa lớn giảm mạnh thì các nhóm cổ phiếu Midcap và penny cũng giảm đều, mặc dù vậy biên đô giảm giá của nhóm này chỉ ở mức trung bình theo quan tính suy giảm của chỉ số. Trong nhóm này đáng chú ý có các cổ phiếu đã tăng nóng thời gian qua thì vẫn tiếp tục giảm mạnh như TTF, KSB, DRH… Đây là nhóm chịu tác động tiêu cực từ hoạt động cắt margin của các CTCK sau khi thông tin nội bộ của các cổ đông lớn sở hữu các cổ phiếu này có trục trặc trong việc chuyển đổi nợ thành cổ phần trong thương vụ giữa TTF và công ty Tân Liên Phát (công ty còn của Vingroup).

Một điểm đáng chú ý là việc giảm giao dịch của khối ngoại trong tuần qua, cụ thể khối ngoại chỉ mua ròng 195 tỷ đồng tuần này, giảm đáng kể so với mức mua ròng gần 500 tỷ đồng trong tuần trước, đặc biệt trong các phiên cuối tuần khối ngoại bán ròng khá mạnh các cổ phiếu lớn như VNM, HSG, HPG, VCB… động thái này góp phần khiến chỉ số Vnindex giảm mạnh trong tuần. Như vậy, hoạt động của khối ngoại đã giảm tính hỗ trợ đối với thị trường khá nhiều so với các tuần trước, thậm chí có thời điểm lực bán của họ tại các mã lớn còn tác động tiêu cực tới các chỉ số, hoạt động của khối ngoại cần tiếp tục được theo dõi sát khi giao dịch của khối này tại thời điểm hiện nay có tác động lớn tới các chỉ số chung.

Mặc dù giảm mạnh trong tuần và có thời điểm Vnindex chạm ngưỡng 640 điểm và Hnindex chạm ngưỡng 83 điểm, tuy nhiên lực cầu bắt đáy trở lại trong phiên cuối tuần đã giúp các chỉ số thu hẹp mức giảm điểm trong tuần để Vnindex đóng cửa sát ngưỡng 650 điểm và Hnxindex đóng cửa trên vùng 84 điểm. Thực tế này cho thấy vùng 640 điểm và 83 điểm đang đóng vai trò hỗ trợ đối với các chỉ số hiện nay.

Về kỹ thuât, nếu tính vùng điểm thấp nhất mà các chỉ số hình thành trong tuần này so với với đỉnh của tuần trước thì Vnindex đã giảm 6,02% và Hnindex đã giảm 5,68% trong đó nhiều cổ phiếu cả Bluechip, midcap và penny đã có mức giảm từ 10% - 20%, cá biệt có nhiều cổ phiếu tăng nóng thời gian qua đã giảm từ 25% - 40%, thực tế này giải thích cho hiện tượng dòng tiền trở lại bắt đáy khá mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần. Với diễn biến thị trường như vậy, nhiều khả năng các chỉ số nói chung và mặt bằng giá cổ phiếu nói riêng có thể có các phiên hồi phục kỹ thuật ngắn hạn, và diễn biến hồi phục này cần được thận trọng đánh giá trong tuần tới.

Về chỉ số, Hnxindex tạo ra hiệu ứng tiêu cực khi đã giảm qua cả đường MA20 ngày và đường kênh tăng giá hình thành từ đầu năm tới nay, tuy nhiên điểm tích cực là Vnindex vẫn duy trì sát đường MA20 ngày mặc dù giảm khá trong tuần. Sự phân hóa của 2 chỉ số cũng phần nào cho thấy trạng thái phân hóa chung của thị trường hiện nay và các chiến lược giao dịch cần duy trì thận trọng với các diễn biến này.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ:


•  Cơ cấu danh mục cân bằng.

•  Không mua đuổi giá khi thị trường hồi phục.

•  Hạn chế dùng margin tỷ lệ cao.

•  Có thể xem xét giảm tiếp tỷ trọng cổ phiếu khi nhịp hồi phục của thị trường có tín hiệu suy yếu

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang