Ngày đăng: 21/11/2016
Diễn biến thị trường quốc tế:
Tuần qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm khi Dow Jones tăng 0,1%, S&P 500 tăng 0,8% và Nasdaq tăng 1,6% so với giá trị đóng của cuối tuần trước. Kể từ sau khi có kết quả bầu cử Tổng Thống Mỹ, TTCK nước này liên tiếp ghi nhận các tuần tăng điểm tích cực, trong đó sức tăng mạnh nhất là chỉ Dow Jones với hàng loạt các cổ phiếu thuộc ngành công nghiệp được cho là sẽ hưởng lợi từ chính sách của tổng thống mới.
Đồng USD tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua và đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Chỉ số Đôla ICE, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, tăng lên 100,57 điểm vào đầu phiên, mức cao nhất kể từ tháng Tư năm 2003. Chỉ số Đôla của Wall Street Journal, theo dõi USD với một rổ 16 đồng tiền khác, cũng tăng lên 90,90 điểm, mức cao nhất kể từ tháng Hai. Nguyên nhân tăng giá mạnh của USD có thể kể đến như:
Có tới 80% khả năng FED sẽ nâng lãi suất USD trong phiên họp tháng 12 tới khi các yếu tố kỳ vọng về việc làm và lạm phát đang tiến gần đến mức mục tiêu.
Dự báo về tác động chính sách của Ông D.Trump có thể sẽ làm tăng lam phát trong nền kinh tế Mỹ thông qua việc khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, giảm thuế trên diện rộng cho mọi đối tượng cả cá nhân và doanh nghiệp… Điều này càng khiến khả năng FED sớm phải tăng lãi suất trong tháng 12 trở lên chắc chắn sẽ diễn ra.
Kỳ vọng của giới đầu tư về khả năng kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục tích cực và dự báo tăng trưởng tăng khá trong các năm sau.
Gía vàng thế giới ghi nhận sụ sụt giảm trở lại trong tuần qua dưới ap lực tăng mạnh của đồng USD. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao tháng 12 hạ 8,20 USD (tương đương 0,7%) xuống 1.208,70 USD/oz, mức đóng cửa thấp nhất kể từ giữa tháng 2/2016, tính chung cả tuần qua, giá vàng đã giảm 1,3%.
Gía dầu thế giới ghi nhận tuần tăng giá trở lại sau liên tiếp 2 tuần giảm mạnh trước đó, diễn biến này được cho là sự hồi phục sau khi giảm có phần quá đà trong ngắn hạn. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 trên sàn Nymex tiến 27 xu (tương ứng 0,6%) lên 45,69 USD/thùng, tính chung giá dầu trong tuần đã tăng 5,3%.
Diễn biến thị trường trong nước
Các chỉ số thị trường giảm điểm trở lại trong tuần qua. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần giảm 0,88% xuống 673,25 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm 0,7% xuống 80,62 điểm. Thanh khoản thị trường trên hai sàn diễn biến trái chiều. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 106,9 triệu đơn vị/phiên tăng 7,87% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX chỉ đạt 35,9 triệu cổ phiếu/phiên giảm mạnh 14,52%.
Hiện tượng tăng giá mạnh của đồng USD đã tác động mạnh tới sự dịch chuyển của dòng vốn Quốc Tế và qua đó tác động mạnh tới các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên tại Châu Á, trong đó Việt Nam cũng phần nào chịu các tác động này mặc dù mức độ ảnh hưởng không lớn như các nước khác trong khu vực. Cụ thể:
Có hiện tượng dòng vốn đầu tư gián tiếp rút ra khỏi các thị trường mới nổi trong đó nổi bật là các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Philipin khiến các thị trường này giảm khá mạnh. Đối với Việt Nam dòng tiền ngoại rút ra thể hiện qua việc VNM ETF bị rút ròng 800.000 CCQ trong tuần tương đương giá trị gần 11 triệu USD, diễn biến này tạo áp lực lên các cổ phiếu bluechip và sự giảm điểm của các chỉ số chung.
Ngoài hiện tượng bán ròng của quỹ ETF chúng tôi cũng nhận thấy hoạt động bán ròng ở một số quỹ ngoại khác, cụ thể: Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh hơn 587 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, họ bán ròng trên HSX với gần 574 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với gần 13 tỷ đồng. Lực bán ròng tập trung chủ yếu ở nhiều cổ phiếu trụ cột và Bluechip và tạo không ít khó khăn cho thị trường trong tuần qua. Trên HOSE, lực bán ròng tập trung mạnh nhất là ở VNM (-181 tỷ), VIC (-82,3 tỷ), HPG (-60,7 tỷ), FLC (-43,4 tỷ),… Về phía mua ròng là các mã như CII (+51,3 tỷ), GAS (+16,3 tỷ), HSG (+15 tỷ),…Trên sàn HNX, giá trị bán ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở VCG (-15 tỷ), KLF (-7,6 tỷ ), THT (-4,6 tỷ)… ngược lại mua ròng chủ yếu ở IVS và HUT với 5.3 tỷ và 3.8 tỷ đồng.
Ngoài động thái bán ròng của khối ngoại thì đa số các nhà đầu tư trong nước cũng thận trọng hơn với diễn biến tỷ giá, khiến thanh khoản thị trường chung suy giảm trong tuần qua.
Về diễn biến thị trường trong tuần, sau phiên giảm điểm mạnh đầu tuần, giao dịch thị trường trở lại cân bằng trong các phiên giữa tuần. Sư phân hoá diễn ra khá mạnh ở các nhóm cổ phiếu kéo theo các chỉ số thị trường liên tục dao động với phạm vi khá hẹp. Điểm đáng lưu ý là tâm lý giới đầu tư có phần e ngại hơn khi phần lớn các cổ phiếu dẫn dắt như VNM, VIC, MSN, VCB…đều giảm điểm với giao dịch kém tích cực. Trong đó áp lực bán ròng từ khối ngoại được xem là nguyên nhân chính. Ở chiều ngược lại, ROS vẫn là tâm điểm của nhóm Bluechip khi duy trì sắc xanh để hỗ trợ chỉ số Vnindex.
Một điểm đáng chú ý trong những tuần gần đây là sự quan tâm của dòng tiến đối với nhóm các cổ phiếu có liên quan đến các doanh nghiệp lớn mới lên sàn hoặc chuẩn bị lên sàn và là đối tượng thoái vốn của Nhà Nước như BHN, SABECO, ACV… Trong đó gần đây nhất nổi lên 2 nhóm ngành sản xuất bia và dịch vụ hàng không, có thể kể đến các cổ phiếu ăn theo trào lưu này như SMB, WSB, NCT, SAS…
Tực chung lại, với tâm lý e ngại leo thang qua các phiên trong tuần thì không quá bất ngờ khi đa số cổ phiếu là giảm giá. Lực bán tăng cao khiến VN-Index có lúc rớt mốc 670 điểm trong phiên. Điểm tích cực là lực cầu đáy vẫn xuất hiện đúng lúc và giải cứu thị trường thoát khỏi phiên giảm điểm mạnh. Do đó, Nhìn về măt chỉ số chưa có nhiều biến động lớn mặc dù đa số cổ phiếu đã có sự điều chỉnh giảm tương đối nhiều so với thời điểm tạo đỉnh cách đây 1 tháng.
Trong tuần tới, các biến động tỷ giá có thể tiếp tục là yếu tố thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, chúng tôi cho rằng sự tác động của hiện tượng đồng USD tăng giá vẫn sẽ ảnh hưởng đến các thị trường tài chính toàn cầu cho tới khi FED chính thức tăng lãi suât vào phiên họp của tháng 12 năm nay, điều này có thể khiến các chỉ số chứng khoán VN tiếp tục biến động trong trạng thái sideway giảm trong tuần cuối tháng 11 và tuần đầu tiên của tháng 12. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy những ảnh hưởng lớn nhất của việc đồng USD tăng giá đã và đang diễn ra, mức độ ảnh hưởng trong thời gian tới có thể sẽ dần giảm bớt các tác động tiêu cực, do đó các nhà đầu tư cũng không nên có tâm lý quá bi quan về trển vọng thị trường trong thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật:
Thị trường tiếp tục có tuần giao dịch giằng co với thanh khoản duy trì ở mức trung bình 20 phiên gần nhất. Xu hướng ngắn hạn vẫn chưa thay đổi khi chỉ số VN-Index được nhận định sẽ tiếp tục giao dịch giằng co trong vùng 670-680 điểm, và HNX-index vẫn dao động trong vùng 80-82 điểm. Khối lượng giao dịch ở mức thấp cho thấy sự suy yếu của cả lực cung và lực cầu tại ngưỡng hỗ trợ. Đây là dấu hiệu tích yếu tố kìm hãm khả năng hồi phục của thị trường trong ngắn hạn.
Chiến lược giao dịch tuần tới: Duy trì danh mục ở mức an toàn
Diễn biến thị trường trong tuần chưa cho thêm tín hiệu mới. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường có thể tiếp tục trạng thái sideway giảm nhẹ trong ngắn hạn. Do đó, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư duy trì danh mục an toàn.
Chiến lược đầu tư hợp lý đối với nhà đầu tư ngắn hạn là mua khi chỉ số chạm ngưỡng hỗ trợ 665-670 điểm và bán khi chỉ số tiệm cận ngưỡng kháng cự 680-685 điểm. Nhà đầu tư trung hạn tiếp tục quan sát thị trường, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng.
Trong nhóm các cổ phiếu có tín hiệu giao dịch tích cực trong tuần qua chúng tôi bổ xung thêm vào danh sách theo dõi các cổ phiếu: VCG, VNB, NLG, SDI, REE.