Ngày đăng: 07/09/2020
Báo cáo nhận định Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần 07/09 – 11/09/2020: Sideway up trong vùng 890-910 điểm!
Thị trường cổ phiếu toàn cầu duy trì đà tăng tích cực trong tháng 8 với chỉ số MSCI World Index tăng 6,6%. Chỉ số MSCI All-Country World Index bao gồm cả cổ phiếu các thị trường mới nổi cũng tăng 6,3%. Trong đó, S&P500 ghi nhận mức tăng 7,01%, nối dài xu hướng tăng giá sang tháng thứ 5 liên tiếp và đây cũng là chuỗi tăng hàng tháng dài nhất của chỉ số này từ năm 1938 đến nay.
Xu hướng này tiếp tục được kéo dài sang những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9, giúp chỉ số cổ phiếu Mỹ chinh phục đỉnh cao kỷ lục mới trước khi áp lực chốt lời đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ vào hai phiên cuối tuần khiến thị trường ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng Sáu. Sau một đợt tăng mạnh và vượt đỉnh, việc các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ điều chỉnh kỹ thuật là hoàn toàn dễ hiểu. Trong khi trend tăng đã được thiết lập và duy trì thì việc chỉ số lấy lại động lực sau nhịp điều chỉnh sẽ giúp thị trường bền vững hơn nhất là khi những ảnh hưởng của Covid-19 đến TTCK gần như đã được phản ánh hết.
Tuy nhiên, Trước bối cảnh đà phục hồi kinh tế đang mất dần động lực, các chính phủ châu Âu đã bắt đầu triển khai những chương trình kích thích kinh tế mới. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ tài khóa, NHTW châu Âu cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục nới lỏng hơn các chính sách tiền tệ của mình trong kỳ họp chính sách diễn ra vào ngày 10/9 sắp tới, sau khi Fed đã phát tín hiệu về triển vọng duy trì lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài vào tuần trước. Đây chính là yếu tố vẫn sẽ giúp nâng đỡ thị trường cổ phiếu trong thời gian tới. Trong đó chiến lược gia David Kostin của Goldman Sachs cũng đã tiếp tục nâng dự báo chỉ số S&P500 lên mức 3.800 điểm vào giữa 2021 với mức tăng 12 tháng là +11%.
Đối với TTCK Việt Nam
Chỉ số VN-Index có tuần tăng thứ 5 liên tiếp và lấy lại ngưỡng 900 điểm sau 2 tháng. Đây cũng là chuỗi tăng dài nhất theo tuần trong năm 2020 cho đến thời điểm nay, tương đương với chuỗi tăng trong tháng 5 vừa qua. Qua đó, chỉ số này đã có mặt trong TOP các chỉ số chính trên toàn cầu có mức tăng tốt nhất trong tuần vừa qua và trong vòng 1 tháng, đứng trên cả thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Với thành quả tích cực như vậy, thị trường đã bứt phá thành công qua kênh giảm giá kể từ đầu năm cũng như vượt đỉnh tháng 6 và tháng 7 (theo giá đóng cửa).
Nhìn chung, trong 2 tuần vừa qua, thị trường trong nước có dấu hiệu khỏe hơn so với thị trường Mỹ nhờ sự trở lại của nhóm cổ phiếu trụ hay nhóm bluechips. Mặc dù thị trường điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần khiến mạch tăng 5 phiên liên tiếp bị chắn ngang, nhưng phiên giảm này chỉ là phiên giảm thứ 2 trong 10 phiên vừa qua.
Đà tăng của thị trường vẫn tương đối lành mạnh và khỏe nhờ:
- 1)Về thanh khoản: Thanh khoản bình quân tiếp tục được giữ trên mức 5.600 tỷ khớp lệnh, đây là mức cao trong 12 tuần vừa qua và chỉ thấp hơn so với đỉnh tháng 6 (trên 7.000 tỷ).
- 2) Về độ rộng thị trường: so với đỉnh tháng 6 (tương ứng với ngưỡng 900 điểm), thị trường hiện tại có sự tham gia trên diện rộng của nhiều cổ phiêu hơn. Theo đó, % số mã nằm trên ngưỡng MA200 ngày đạt gần 70% so với mức 60% ở đỉnh tháng 6. Ngoài ra, hơn 50% số mã trên sàn HSX ở thời điểm hiện tại đã vượt đỉnh tháng 6, trong đó nhóm Midcap có nhiều mã nhất với 56%, nhóm Smallcap cũng đạt 52%. Do vậy, việc thị trường vượt mốc cao nhất ở đỉnh tháng 6 (905 điểm) hiện không có nhiều ý nghĩa do quá nửa số mã đã vượt qua ngưỡng này. Hiện tại thị trường có thể giằng co ở ngưỡng 900 điểm là do các mã lớn như: VCB, MSN, BID, VIC, GAS, TCB vẫn chưa test lại mức đỉnh này. Đây cũng có thể là dư địa cho thị trường bứt phá trong thời gian tới khi các mã đã có mức tăng tốt nghỉ ngơi và nhường chỗ cho các mã trụ chưa theo kịp thị trường.
- 3) Về dòng tiền: hỗ trợ đà tăng trong 5 tuần liên tiếp vừa qua đến từ khối tổ chức trong nước, đây cũng là tuần mua ròng thứ 5 liên tiếp và cũng là tuần mua ròng thứ 7 trong 9 tuần, qua đó đang tạo sự khác biệt so với nhịp tăng trong tháng 4 chủ yếu đến từ khối nhà đầu tư cá nhân.
- 4) Tâm lý nhà đầu tư còn được đẩy cao hơn nữa trong tuần vừa qua cũng như trong các tuần tới khi các cổ phiếu đi sau bị ảnh hưởng từ dịch bệnh như: Bán lẻ, bảo hiểm, chứng khoán, hàng không...tiếp tục tăng điểm, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường nói chung khi nhóm cổ phiếu đi sau đã không bị bỏ lại trong quá trình phục hồi.
Trong kịch bản cơ sở chỉ số VN-Index sẽ dao động trong vùng 890 - 920 điểm với xác suất 70%. Kịch bản lạc quan với xác suất 20% thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên vùng 920 - 942 điểm.
Chiến lược đầu tư: Tiếp tục nắm giữ danh mục và ưu tiên các nhóm vẫn giữ lực tăng tốt. Cơ cấu danh mục trong các nhịp rung lắc và dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao, nền tảng cơ bản tốt và xem xét chốt lời dần khi thị trường tiệm cận vùng 920 điểm.
Cơ hội đầu tư: Ngắn hạn, cơ hội đầu tư sẽ tiếp tục phân hóa ở các nhóm lớn mà tập trung ở một số mã cổ phiếu riêng lẻ có câu chuyện như: Ngân hàng (VPB, VIB, TPB, HDB, CTG, ACB), Chứng khoán (HCM, VCI), BĐS KCN (D2D, DTD, LHG, PHR, SZC), BĐS (KDH, NLG, NVL, SJS), Thực phẩm (MSN, DBC, GTN, QNS, VNM), Bán lẻ (MWG, PNJ, FRT), Bảo hiểm (BVH, BMI), Logistics (GMD, VSC), , Hóa chất (DPM, CSV, DGC, BFC, PLC, LIX), , Vật liệu xây dựng (BMP, HPG, VCS, VGC, C32, KSB)…
Danh mục cổ phiếu chúng tôi ưu tiên duy trì theo dõi trong danh mục: Bán lẻ: MWG, PNJ, FRT, FPT; Thực phẩm: VNM, DBC, GTN, VOC; Bất động sản KCN: PHR, KBC, LHG, SZL, SZC, D2D; Bất động sản thương mại: VHM, NLG, HDG, VRE, HDC; Thủy sản: VHC; Dệt may: GIL, TCM, SX&PP điện: REE, HND, NT2; Xây dựng & VLXD: HPG, KSB, BMP, PC1, CTR, CTD, Hóa Chất: DGC, DCM, Ngân hàng: VIB, ACB, MBB VPB, TCB, HDB; Dầu khí: GAS, PVS, PVD, PLX; Chứng khoán: HCM, SSI, VCI…