Ngày đăng: 23/11/2015
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN TỚI: Giằng co trong khoảng dao động 600-615.
Tuần qua, thị trường tiếp tục dao động sideway theo xu hướng giảm nhẹ với dao dịch khá giằng co. Kết thúc tuần, VN-INDEX giảm -6,81 điểm(-1,1%) dừng ở mức 604,46 điểm và đây cũng là tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp. Tuần này, NDTNN tiếp tục xu hướng bán ròng phiên thứ 7 liên tiếp trên HSX trước khi mua ròng trở lại vào phiên cuối tuần.
Dòng tiền tiếp tục trong xu hướng chốt lời nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VIC, FPT, KBC, CTG...khiến nhóm cổ phiếu này tiếp tục phân hóa và giảm giá. Riêng VNM là cổ phiếu vốn hóa trong top lớn nhất thị trường giảm -4.4% đã tác động rất rõ nét tới xu hướng giảm của VN-INDEX. Trong đó, dòng tiền tiếp tục có xu hướng chảy vào các cổ phiếu đầu cơ thanh khoản cao với dao dịch khá sôi động nhưng chỉ chọn lọc tại một số cổ phiếu như FLC, TSC, SHN, FIT, OGC, GTN, DAG, DRH…Chính yếu tố này đã giúp thị trường tiếp tục dao dịch sôi động hơn mặc dù chỉ số vẫn trong xu hướng giảm điểm với dao dịch giằng co. Thanh khoản trung bình tuần qua đạt 128 triệu đơn vị tăng 7,4% so với cùng kỳ và là mức thanh khoản khá trong thời gian qua. Điều đó cho thấy dòng tiền đã có xu hướng chuyển dòng cổ phiếu khá rõ nét.
Phiên cuối tuần thị trường bắt đầu xuất hiện tín hiệu khả quan hơn cả về KLGD cũng như điểm số. Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bắt đầu có tín hiệu hồi phục trở lại, áp lực bán giảm đi đáng kể khiến chỉ số VN-INDEX hồi phục trở lại. Dòng tiền có xu hướng chuyển hướng mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản, khoáng sản, mía đường, nhựa…Tín hiệu lan tỏa từ dòng tiền đầu cơ diễn ra khá tích cực tuy nhiên khá chọn lọc và dòng tiền về cơ bản vẫn trong xu hướng thận trọng chứ chưa thể tạo thành đợt phục hồi mạnh. Chưa xuất hiện tín hiệu rõ ràng nào về dòng cổ phiếu dẫn dắt xu hướng ngoại trừ nhóm cổ phiếu đầu cơ, trong đó nhiều cổ phiếu trong nhóm này cũng đã tăng khá và có thể chịu áp lực chốt lời sớm khi gặp các vùng cản mạnh trong tuần này. Điều đó cũng cho thấy động lực tăng điểm bền trong ngắn hạn của thị trường là chưa có.
NDTNN tuần qua tiếp tục có thêm một tuần bán ròng với giá trị hơn 120 tỷ đồng trên cả hai sàn và đây cũng là tuần bán ròng thứ 2 liên tiếp với áp lực bán tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu như MSN, VNM, HSG và KDC…Trong đó, MSN là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị ròng đạt 219,52 tỷ đồng và được bán trực tiếp trên sàn qua phương thức khớp lệnh liên tiếp trong tuần qua. Ở chiều ngược lại DLG, VIC, DPM…nằm trong top mua ròng tuần này trong đó DLG được mua khá mạnh tay với giá trị đạt 82,46 tỷ đồng qua thỏa thuận. Trong đó, AnssenHoldeo Limited đã công bố mua vào cổ phiếu DLG với tổng số lượng hơn 6 triệu đơn vị, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 14,55%.
Về xu hướng thị trường ngắn hạn, lo ngại khả năng FED sẽ tăng lãi suất vào đầu tháng 12 và trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ sẽ khiến thị trường chung thận trọng. Việc chỉ số hồi phục trên ngưỡng 600 điểm và KLGD gia tăng trở lại cho thấy tín hiệu khá tích cực. Tuy nhiên, chỉ số vẫn nằm dưới MA20 và giao dịch chung toàn thị trường phần lớn vẫn trong trạng thái giằng co cho thấy khả năng đà hồi phục vẫn sẽ chưa mạnh. Các chỉ báo về xu hướng dòng tiền như MFI hay chỉ báo động lượng MACD vẫn đang củng cố cho khả năng điều chỉnh giảm của chỉ số. Vùng dao động rung lắc ngắn hạn từ 600-615, vùng hỗ trợ mạnh ngắn hạn tại 590-595 điểm.
Chiến lược giao dịch:
- Thị trường phân hóa mạnh và áp lực chốt lời tiếp tục diễn ra do đó chúng tôi cho rằng NDT nên duy trì quan điểm thận trọng và chốt lời các cổ phiếu đã có lãi trong các nhịp hồi trong phiên, hạn chế sử dụng margin trong giai đoạn này. Giảm tỷ trọng cổ phiếu nếu VN-INDEX kiểm nghiệm không thành công vùng kháng cự 615-620 điểm.
- Giảm mua tăng bán cho vị thế mua mới ở các mốc hỗ trợ thấp hơn trong khoảng dao động 580-595
- Đối với cổ phiếu thị trường, hạn chế mua đuổi giá cao trong phiên, mua tại các nhịp chỉnh và bán khi giá cổ phiếu bật tăng trở lại.