Ngày đăng: 18/07/2022
- TTCK toàn cầu cũng như giá dầu khép lại một tuần giảm điểm sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 6 “sốc” hơn dự báo và mối lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất với bước nhảy lớn trong kỳ họp tháng 7, cùng với đó các Ngân hàng trung ương khác cũng đang tăng mạnh lãi suất với một số mức tăng mạnh hơn dự kiến.
- Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua ngược dòng thế giới, thanh khoản cũng tăng trở lại khi dòng tiền có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Đáng chú ý là khối nhà đầu tư cá nhân mua ròng mạnh, trong khi khối ngoại tiếp tục bán ròng kể từ đầu tháng 7.
- Giao dịch của khối ngoại vẫn là điểm trừ và gây áp lực đáng kể lên biến động của thị trường chung khi bán ròng với giá trị 1.180 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX 285 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh 1.118 tỷ đồng và mua ròng thông qua thỏa thuận 833 tỷ đồng.
- Dòng tiền tuần qua đã được cải thiện với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt 10.242 tỷ đồng, tăng 4% so với tuần trước. Tổng GTGD bình quân 3 sàn đạt 13.376 tỷ đồng trong tháng 7, giảm 25% so với mức trung bình của tháng 6.
- Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã có tuần phục hồi khá tốt củng cố vùng đáy kỹ thuật xoay quanh 1.145 điểm và hướng tới kiểm nghiệm vùng kháng cự MA20 ngày ở vùng 1.183 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật như RSI và Stochastic vẫn củng cố có nhịp phục hồi của VN-Index trong ngắn hạn. Thanh khoản tăng là một trong những tín hiệu khá rõ nét cho thấy dòng tiền bắt đáy sớm đang dần gia tăng vị thế và luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành. Tuy nhiên vùng kháng cự phía trước xoay quanh vùng 1.200 - 1.218 điểm đang ở khá gần do đó cần thận trọng với các nhịp chốt lời tiềm năng tại các vùng cản mạnh.
- Chiến lược đầu tư: Sự phục hồi vẫn đang diễn ra tích cực ở nhóm cổ phiếu midcap và smallcap trong bối cảnh các doanh nghiệp đang công bố kết quả kinh doanh, do vậy nhà đầu tư nên ưu tiên phân bổ danh mục trading T+ vào hai nhóm này với một số ngành tiêu biểu hút tiền trong ngắn hạn như: Chứng khoán, thép, BĐS KCN, Điện…Có thể chọn lọc điểm mua ở một số cổ phiếu ngân hàng mạnh như MBB, VPB nhằm đa dạng hóa danh mục và đón sóng dẫn dắt khi dòng tiền tập trung trở lại nhóm vốn hóa lớn. Tuy vậy, NĐT cũng cần theo dõi các vùng kháng cự mạnh quanh mức 1.200 – 1.218 khi đây là vùng kháng cự mạnh và khoảng thời gian 7 phiên giao dịch trước thời điểm FED ra tin lãi suất vào ngày 26-27/7 tới.