Ngày đăng: 21/02/2022
Báo cáo nhận định thị trường tuần 21/02-25/02/2022 - Kiểm nghiệm kháng cự 1.511 – 1.535 điểm
- Chỉ số chứng khoán toàn cầu tiếp tục giảm sang tuần thứ 2 liên tiếp dưới sức ép từ các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, trong khi đó các thị trường ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc tiếp tục đà phục hồi sang tuần thứ 3 liên tiếp.
- Chứng khoán trong nước vẫn duy trì trạng thái đi ngang trên ngưỡng tâm lý 1.500 điểm, đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp chỉ số Vn-Index chốt tuần trên ngưỡng tâm lý này. Thanh khoản thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm và dòng tiền có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, hỗ trợ thị trường tăng sang tuần thứ 3 liên tiếp còn đến từ hoạt động mua ròng trở lại từ khối ngoại.
- Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX đã giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp, chỉ đạt 19.662 tỷ đồng, giảm 2% so với tuần trước.
- Dòng vốn ngoại tuần qua giao dịch theo chiều hướng tích cực khi mua ròng trở lại với giá trị 1.553 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX 2.497 tỷ đồng, trong đó mua ròng thông qua khớp lệnh 2.555 tỷ đồng và bán ròng thông qua thỏa thuận 5.052 tỷ đồng.
- Về kỹ thuật, trong 6 phiên gần đây, chỉ số Vn-Index dù chỉ có 2 phiên tăng nhưng việc nhìn chỉ số lúc này không đánh giá đúng diễn biến của thị trường. Trong khi chỉ số đi ngang thì độ rộng thị trường vẫn rất tích cực, nhóm tăng giá khá nhiều, đặc biệt là nhóm cổ phiếu có hoạt động xuất khẩu hoặc nhóm cổ phiếu phản ánh kỳ vọng nền kinh tế tái mở cửa trở lại, các nhóm cổ phiếu này không có ưu thế về vốn hóa. Do vậy chúng tôi cho rằng thị trường đang ở trạng thái tích cực và nhà đầu tư cũng đang bỏ qua ảnh hưởng từ các cổ phiếu trụ. Chỉ số Vn-index đã nhiều lần test lại ngưỡng 1.500 điểm trong các phiên với mức thanh khoản thấp, do vậy các ngưỡng hỗ trợ như MA50 hay MA100 có thể là vùng hỗ trợ trung hạn cho thị trường trong giai đoạn sắp tới.
- Chiến lược đầu tư: Trong bối cảnh thị trường vẫn có thể rung lắc trước diễn biến khó lường của TTCK thế giới, nhà đầu tư hạn chế lướt sóng và cơ cấu danh mục với tỷ trọng hợp lý có thể chịu được các biến động trong ngắn hạn. Về danh mục, có thể duy trì nắm giữ hoặc tập trung vào nhóm cổ phiếu có nền tảng tốt hưởng lợi từ giá hàng hóa và xuất khẩu như: Nhóm Thép, Phân bón, Thủy sản, Dệt May, BĐS và BĐS khu CN, Bán lẻ…hoặc các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự mở cửa của nền kinh tế như hàng không, du lịch…