Ngày đăng: 23/08/2021
- Thị trường chứng khoán toàn cầu rời đỉnh cao mới trong tuần vừa qua sau biên bản họp tháng 7 của Fed và mối lo về sự lây lan của chiến chủng Delta, mức giảm mạnh nhất là chứng khoán khu vực Châu Á, trong khi đó chứng khoán khu vực Đông Nam Á vốn là điểm nóng của đợt dịch này lại có dấu hiệu phục hồi tích cực.
- Thị trường trong nước gây chú ý bởi kỷ lục thanh khoản mới được xác lập nhưng vẫn hoàn tất một tuần giảm điểm với tâm điểm là phiên giảm cuối tuần, qua đó cắt mạch 3 tuần tăng liên tiếp. Bên cạnh đó, áp lực bán cũng đến từ khối ngoại khi họ kéo dài chuỗi bán ròng sang phiên thứ 8 liên tiếp.
- Dòng tiền tuần qua tiếp tục bùng nổ với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt 26.381 tỷ đồng, tăng 19% so với tuần trước đó. Tổng GTGD bình quân 3 sàn đạt 29.956 tỷ đồng trong tháng 8 tăng 23% so với mức trung bình của tháng 7.
- Dòng vốn ngoại bán ròng mạnh nhất 11 tuần với giá trị bán ròng 5.667 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX 30.417 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh 44.881 tỷ đồng và mua ròng thông qua thỏa thuận 14.157 tỷ đồng.
- Về kỹ thuật, một phiên bất ngờ giảm sâu trên nền thanh khoản cao là tín hiệu cần lưu ý, tuy nhiên tín hiệu từ 1 phiên chưa đủ để khẳng định xu hướng đảo chiều của thị trường ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index hiện vẫn đang đi ngang trong kênh hẹp như chúng tôi đã xác định trong tuần trước từ vùng hỗ trợ Fibo50% đến kháng cự Fibo 76.4% tương đương vùng dao động 1.324 – 1.377 điểm.
- Trong bổi cảnh chỉ số sẽ biến động tăng giảm và đi ngang trong dải điểm cơ sở từ 1.320 – 1.360 điểm thì hoạt động trading đảo hàng nên xem xét khi canh mua tại các ngưỡng hỗ trợ mạnh như 1.300 – 1.320 và bán ra ở các vùng kháng cự gần như 1.360 – 1.377 điểm.
- Trong kịch bản cơ sở, chỉ số P/E của VN-Index có thể dao động ở vùng 15.7 đến 16 lần thu nhập là cơ hội để đầu tư trong trung và dài hạn, do vậy nhà đầu tư có thể tập trung vào nhóm ngành được hưởng lợi từ thanh khoản như 1) Chứng khoán với mức ưu tiên cao, 2) nhóm được hưởng lợi từ việc nguồn cung bị thắt chặt như hóa chất (bao gồm cả nhóm phân bón), ngành mía đường hưởng lợi từ tăng giá nguyên liệu và bảo hộ trong nước; 3) các nhóm hưởng lợi từ cảng biển, đặc biệt là vận tải biển khi giá cước tăng, 4) các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công như vật liệu xây dựng hoặc các doanh nghiệp thi công…