Ngày đăng: 23/05/2022
- Chứng khoán khu vực Châu Á đồng loạt phục hồi trong tuần vừa qua, bất chấp giới chuyên gia vẫn tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ đã giảm sang tuần thứ 7 liên tiếp.
- Thị trường chứng khoán trong nước có tuần hồi phục mạnh nhất trong vòng 1 năm sau chuỗi giảm 6 tuần liên tiếp. Đóng góp chính cho mức tăng của thị trường là việc nhà đầu tư cá nhân đã quay lại bắt đáy.
- Dòng vốn ngoại không còn được tích cực như tuần trước đó khi bán ròng trở lại với giá trị 143 tỷ đồng. Bán ròng thông qua khớp lệnh đạt 92 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX 1.888 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh 977 tỷ đồng và bán ròng thông qua thỏa thuận 911 tỷ đồng.
- Dòng tiền tuần qua tỏ ra thận trong khi nhà đầu tư còn nghi ngờ nhịp tăng của thị trường với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt 12.613 tỷ đồng, giảm 17% so với tuần trước đó. Tổng GTGD bình quân 3 sàn đạt 17.700 tỷ đồng trong tháng 5 giảm 33% so với mức trung bình của tháng 4.
- Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index đã có phản ứng tích cực ở vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm sau 6 tuần giảm liên tiếp. Mức thấp nhất tuần vừa qua của chỉ số Vn-index ở 1.156,54 điểm, việc thị trường tạo một cây nến rút chân và chốt tuần ở gần mức cao nhất đang cho tín hiệu đảo chiều khá tích cực. Trong 3 phiên gần đây, chỉ số Vn-Index đang ngập ngừng ở ngưỡng 1.250 điểm và chưa dứt điểm thành công. Bối cảnh chứng khoán thế giới đang phục hồi và thị trường trong nước cũng đã trải qua các vòng T+4, T+5 với thanh khoản thấp cho thấy nhà đầu tư đang có kỳ vọng tích cực cho nhịp phục hồi này nên áp lực bán đã giảm đáng kể. Các điều kiện trên cho thấy, khả năng thị trường sẽ tạo đáy thứ 2 cao hơn và thanh khoản sẽ tăng dần khi chỉ số Vn-Index vượt thành công vùng 1.250 – 1.260 điểm để hướng lên vùng MA20 ở 1.296 điểm.
- Chiến lược đầu tư: Thị trường đã có nhịp hồi phục tương đối rõ ràng khi đa phần cổ phiếu đã tạo đáy ngắn hạn và hồi phục trở lại. Tuy nhiên, lực cầu vẫn yếu với tâm lý thận trọng có thể sẽ khiến chỉ số và các cổ phiếu dẫn sóng gặp khó khăn trước các ngưỡng cản kỹ thuật tiếp theo. Do đó, chiến lược ưu tiên nắm giữ và có thể cân nhắc chốt lời sớm đối với hoạt động trading ngắn hạn khi chỉ số suy yếu tại các vùng kháng cự mạnh. Các nhóm cổ phiếu nên tập trung trong giai đoạn này ưu tiên nhóm dấn sóng, thanh khoản cao như: chứng khoán, Hóa chất, Viettel, Dầu khí, cao su, bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, Điện, Ngân hàng…