Ngày đăng: 20/05/2022
- Các thị trường chứng khoán đồng loạt phục hồi trong phiên cuối tuần vừa qua, xóa bớt mức giảm trong tuần nhưng cũng không thể ngăn chuỗi giảm ở nhiều chỉ số lớn đã lan sang tuần thứ 6 liên tiếp, mức giảm liền mạch dài nhất kể từ năm 2011.
- Thị trường trong nước cũng khép lại tuần giảm thứ 6 liên tiếp, chuỗi giảm một mạch dài nhất kể từ năm 2011. Bất chấp nền tảng cơ bản tốt hơn nhiều so với thời điểm cách đây hơn 10 năm từ vĩ mô cho tới lợi nhuận doanh nghiệp, thị trường liên tiếp xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ.
- Dòng vốn ngoại mua ròng trở lại trong tuần VN-Index để mất mốc 1.200 điểm với giá trị 1.682 tỷ đồng. Mua ròng thông qua khớp lệnh đạt 1.096 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX 1.746 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh 886 tỷ đồng và bán ròng thông qua thỏa thuận 860 tỷ đồng.
- Dòng tiền tuần qua sôi động trở lại với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt 15.168 tỷ đồng, tăng 7% so với tuần trước đó. Tổng GTGD bình quân 3 sàn đạt 18.750 tỷ đồng trong tháng 5 giảm 29% so với mức trung bình của tháng 4.
- Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index đã xuyên thủng ngưỡng tâm lý 1.200 điểm cho thấy áp lực bán vẫn đang thắng thế, đây cũng là ngưỡng mà thị trường đã nhiều lần kiểm nghiệm với thời gian tính bằng năm. Đây cũng là vùng giao thoa của Fibonacci Fan và Fibonaci Retracement 38,2% do đó có thể kỳ vọng xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật ngắn ở khu vực 1.180 – 1.200 điểm khi các chỉ báo kỹ thuật khác cũng đang ở vùng quá bán. Tuy nhiên, xu hướng chính vẫn đang nằm trong xu hướng giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn đang có những biến động đầy khó lường do đó duy trì tâm lý thận trọng là cần thiết trong giai đoạn này. Trong kịch bản cơ bản, khả năng chỉ số vẫn có thể giảm thêm một nhịp nữa mới hồi phục với vùng dao động rộng trong phạm vi cận dưới từ 1.125 -1.160 đến mức 1.180 – 1.200 điểm.
- Chiến lược đầu tư: Sau 6 tuần giảm điểm liên tiếp, mức định giá P/E của thị trường hiện ở mức 12.9 lần (so với mức đáy covid là 10.9 lần) do đó cơ hội mua đang mở ra trong ngắn hạn. Tuy nhiên, do mức biến động ngắn hạn vẫn khá khó lường do đó NĐT có thể cân nhắc duy trì trạng thái thận trọng, tỷ trong tiền mặt ở mức cao, có thể xem xét giải ngân quanh các vùng hỗ trợ mạnh như 1.100 – 1.150 với tỷ lệ từ 10%-15% tài khoản. Ưu tiên các nhóm cổ phiếu nhạy cảm với sự phục hồi của thị trường sau đợt giảm sâu như: Dầu khí, Điện, bảo hiểm, vật liệu xây dựng, thủy sản, logistics, du lịch, chứng khoán…