Ngày đăng: 07/03/2022
- Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục phủ bóng lên thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó các thị trường chứng khoán khu vực Châu Âu chịu tác động mạnh hơn so với thị trường Mỹ và thị trường chứng khoán khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
- Thị trường chứng khoán trong nước nhanh chóng lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm trong tuần vừa qua nhờ thanh khoản đạt mức cao nhất trong 6 tuần vừa qua. Dòng tiền giao dịch sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, vốn là những cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng của giá hàng hóa cơ bản và năng lượng. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bluechips đã giảm sang tuần thứ 3 liên tiếp và dòng tiền cũng có dầu hiệu rút ra để tìm kiếm các cơ hội ở nhóm cổ phiếu khác.
- Dòng vốn ngoại tuần qua giao dịch không mấy tích cực khi bán ròng với giá trị 790 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX 3.301 tỷ đồng, trong đó mua ròng thông qua khớp lệnh 486 tỷ đồng và bán ròng thông qua thỏa thuận 3.786 tỷ đồng.
- Dòng tiền tuần qua tiếp tục tăng với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt 26.664 tỷ đồng, tăng 4% so với tuần trước đó. Tổng GTGD bình quân 3 sàn đạt 34.706 tỷ đồng trong tháng 3 tăng 26% so với mức trung bình của tháng 2.
- Về kỹ thuật, Chỉ số Vn-Index vẫn trong xu hướng đi ngang kéo dài từ đầu tháng 2 cho tới nay trong vùng dao động từ 1.470 điểm đến 1.510 điểm. Mặc dù thị trường đi ngang nhưng độ rộng thị trường vẫn rất tích cực, số cổ phiếu nằm trên MA50 thậm chí đã vượt thời điểm chỉ số Vn-Index ở mức đỉnh cũ 1.536 điểm
- Chiến lược đầu tư: Trong tháng 3, chúng tôi cho rằng tác động của các sự kiện xung đột chính trị, hay dự đoán câu chuyện lãi suất của Fed gần như đã và đang phản ánh khả rõ vào thị trường chung. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục trong trạng thái tích cực nhưng phân hóa với từng câu chuyện riêng và những cổ phiếu đã và đang được hưởng lợi từ giá hàng hóa (phân bón, cao su, dầu khí, than…), khởi động từ câu chuyện đầu tư công (thép, xây dựng hạ tầng, BĐS…), đến phục hồi kinh tế hướng xuất khẩu (thủy sản, dệt may, logistic…), hay tài chính(chứng khoán, bảo hiểm…) vẫn sẽ là nhóm hoạt động tốt trong tháng 3 này. Nhà đầu tư có lẽ sẽ quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện cụ thể của từng doanh nghiệp, và thông tin từ kỳ ĐHCĐ năm nay. Tuy nhiên, biến số lạm phát sẽ là tâm điểm được chú ý tới để lựa chọn nhóm ngành phù hợp nhất là khi nhiều biến số vĩ mô đang thay đổi rõ ràng trước các tác động từ bên ngoài.