Ngày đăng: 04/05/2021
- TTCK Mỹ giảm điểm trong tuần vừa qua nhưng vẫn có tháng tăng thứ 3 liên tiếp đối với chỉ số S&P 500 với thành quả hơn 5% khi nhà đầu tư kỳ vọng vào đà phục hồi lợi nhuận và kinh tế mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19. Hiện S&P 500 đã leo dốc 11% từ đầu năm đến nay. Chỉ số này đã khép phiên ngày thứ Năm (29/4) ở mức cao kỷ lục sau kết quả kinh doanh bùng nổ từ Apple và Facebook. Dow Jones cộng 2,7% trong tháng này, còn Nasdaq Composite tăng 5,4% trong tháng 4
- Thị trường trong nước có sự điều chỉnh sau 4 tuần liên tiếp tăng điểm, tuy nhiên đã có sự hồi phục ở 3 phiên cuối tuần. Hỗ trợ đà tăng là các mã cổ phiếu vốn hóa lớn trong bối cảnh dòng tiền tham gia vẫn giữ ở mức cao dù chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng nghỉ lễ.
- Sự trỗi dậy của dòng tiền nội tiếp tục là chất xúc tác giúp thị trường duy trì trên ngưỡng 1.200 điểm kể từ đầu tháng 4 cho tới nay. Thanh khoản bình quân toàn thị trường kể từ đầu tháng 4 cho tới nay hiện đang ở mức cao kỷ lục gần 23.000 tỷ đồng/phiên (tính cho cả 3 sàn). Tuần qua dòng tiền vào thị trường tiếp tục giữ ở mức cao với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt trên 15.442 tỷ đồng, giảm 18% so với tuần trước đó phần nào do ảnh hưởng của thời điểm trước kỳ nghỉ lễ kéo dài.
- Giao dịch của khối ngoại tiếp tục tích cực khi mua ròng trở lại với giá trị mua ròng trên sàn HSX đạt 482 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX 14.093 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh 24.876 tỷ đồng và mua ròng thông qua thỏa thuận 10.476 tỷ đồng.
- Về kỹ thuật, Chỉ số VN-Index đã có nhịp retest ngưỡng 1.200 điểm thành công với 3 phiên tăng liên tiếp. Thị trường mất khá nhiều thời gian mới vượt qua được ngưỡng này, nên đây trở thành vùng hỗ trợ cứng. Trong kịch bản lạc quan, thị trường có khả năng kiểm nghiệm lại các ngưỡng cản ở vùng 1.255 – 1.260 điểm. Ngược lại, ngưỡng 1.200 điểm vẫn là ngưỡng hỗ trợ cứng khi đây vừa là ngưỡng tâm lý và có sự góp mặt của MA50.
- Chiến lược đầu tư: Trong bối cảnh thị trường biến động rung lắc nhưng vẫn nằm trong một uptrend lớn với các yếu tố vĩ mô và dòng tiền đang được củng cố, chiến lược chủ động vẫn là trading và nắm giữ danh mục cổ phiếu tốt vốn hóa lớn với KQKD tăng trưởng cao trong Q1 vừa qua. Các cổ phiếu được mang tính chu kỳ, được hưởng lợi từ sự phục hồi hoặc mở cửa trở lại của nền kinh tế như ngân hàng, chứng khoán, BĐS, thép, bán lẻ, công nghệ, cao su, dầu khí, khai khoáng… vẫn sẽ là tiêu điểm.
- Danh mục đầu tư: Ngân hàng (MBB, ACB, VCB, CTG, OCB, STB, LPB,), Bán lẻ (MWG, PNJ, PET, HAX), Công nghệ (FPT), Vingroup (VIC, VHM, VRE), Chứng khoán(MBS, VND), Bất động sản (KDH, NLG, PDR, AGG, NTL), Thép (HPG, NKG, HSG, VGS), BĐS khu CN (LHG ), Dầu khí (GAS, PVS, PVT)…