Ngày đăng: 19/07/2017
Tình hình chung ngành phân bón trong năm 2016, hầu hết hoạt động sản xuất phân Ure, DAP và NPK của các công ty đều gia tăng mạnh mẽ nguồn cung và tồn kho đầu năm tại các đại lý ở mức khá cao. Tuy nhiên, trong năm diện tích gieo trồng cho lúa, hoa màu và cây công nghiệp đều giảm do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong nửa đầu năm 2016. Do đó, nhu cầu tiêu thụ Ure, DAP và NPK đều sụt giảm so với năm 2015, trong đó DAP sụt giảm mạnh nhất. Nhu cầu tiêu thụ Ure sụt giảm ít nhất 0,48% trong nhóm phân bón một phần do nhu cầu nông dân và hộ thương mại tự phối trộn NPK để tiết kiệm chi phí.
Sang năm 2017, thị trường phân bón được dự báo sẽ tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ khi tình hình thời tiết và thổ nhưỡng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Theo báo cáo của Agromonitor, tiêu thụ phân bón nội địa của Ure và NPK dự báo lần lượt tăng 2,15% và 5,33% trong năm 2017. Cùng quan điểm đó, chúng tôi cho rằng nhu cầu tiêu thụ phân hỗn hợp NPK của các công ty sản xuất sẽ tăng trưởng tích cực. Do tình hình giá Ure tăng mạnh vào đầu năm 2017 làm giảm một phần nhu cầu tự phối trộn của nông dân, và nhu cầu dịch chuyển sang sử dụng phân hỗn hợp NPK có thương hiệu.
Một phần chi phí nhập khẩu phân đơn gia tăng khi giá đầu vào của Trung Quốc tăng. Trong thực tế đầu năm 2017, giá cả của các loại phân bón Ure, DAP đang có dấu hiệu tăng trở lại sau một thời kỳ giảm dài. Theo thống kê từ FAO, bình quân giá phân bón Ure thế giới đã tăng đến 10% so với mức đầu năm. Tại thị trường trong nước, giá chào bán Ure hiện tăng bình quân khoảng 15% từ đầu năm đến nay và đang trong giai đoạn chững lại. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách bảo vệ môi trường tại Trung Quốc khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm công suất hoạt động dẫn đến nguồn cung phân bón Ure trong vụ Đông Xuân bị khan hiếm.