Ngày đăng: 31/12/2021
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm điểm trước phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021. Kết phiên, chỉ số Dow Jones rớt 90,55 điểm (-0,3%) xuống 36.398,08 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,3% còn 4.778,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,2% xuống 15.741,56 điểm. Cuối năm thường là thời gian mạnh mẽ của chứng khoán theo lịch sử, vốn được mệnh danh là hiện tượng “Santa Claus rally”. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể mang đến biến động do khối lượng giao dịch thấp. Về dữ liệu kinh tế, Bộ Lao động Mỹ vào ngày thứ Năm cho biết số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước thấp hơn so dự báo. Cụ thể, tổng số đơn xin trợ cấp lần đầu là 198.000 đơn trong tuần kết thúc ngày 25/12/2021, thấp hơn so dự báo 205.000 đơn từ các chuyên gia kinh tế. Năm nay chứng kiến số lần lập kỷ lục cao nhiều thứ 2 từ trước đến nay của S&P 500 với 70 lần lập kỷ lục trong năm, sau 77 lần lập kỷ lục mới hồi năm 1995. Cả 3 chỉ số chính đều tăng trong tháng 12. S&P 500 và Dow Jones hướng đến tháng tăng thứ 2 trong 3 tháng qua, còn Nasdaq Composite chuẩn bị ghi nhận 3 tháng leo dốc liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, S&P 500 leo dốc hơn 27% và Dow Jones tăng gần 10%. Nasdaq Composite vọt 22%, còn chỉ số Russell 2000 cộng 14%.
- Giá dầu tiếp tục tăng nhẹ để nới rộng đà leo dốc nhiều phiên liên tiếp, được hỗ trợ bởi dữ liệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ vẫn duy trì tốt mặc dù số ca nhiễm biến thể Omicron tăng vọt. Đóng cửa, hợp đồng dầu Brent nhích 0,11% lên 79,32 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 0,56% lên 76,99 USD/thùng. Vào ngày 29/12, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 24/12/2021, nhiều hơn so với dự báo từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Cũng trong tuần trước, dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất giảm, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng từ các chuyên gia phân tích, cho thấy nhu cầu vẫn mạnh mẽ. Tiếp tục hỗ trợ tâm lý thị trường, chính phủ các nước trên khắp thế giới đang cố gắng hạn chế tác động của số ca nhiễm mới kỷ lục Covid đến tăng trưởng kinh tế bằng cách nới lỏng các quy tắc xét nghiệm và thu hẹp những người cần phải cách ly là người có tiếp xúc gần với các ca F0. Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, ghi nhận 207 ca nhiễm mới và 27 trường hợp không có triệu chứng vào ngày thứ Năm, nhưng không có ca tử vong mới. Số ca nhiễm ở Australia đạt kỷ lục mới với hơn 19.000 ca nhiễm mỗi ngày.
- Giá vàng tăng, xóa sạch mức giảm trước đó nhờ lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ rút khỏi mức đỉnh 1 tháng, bù đắp áp lực từ đồng USD mạnh hơn. Khép lại phiên giao dịch, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,5% lên 1.813,16 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,5% lên 1.814,10 USD/oz. Phillip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, nhận định: “Chúng ta đang ở trong phiên giao dịch kiểu ngày lễ với khối lượng cực thấp. Tôi nghĩ vàng đang thoải mái ở mức quanh 1.800 USD/oz”. Giá vàng có thể tìm thấy hướng đi mới với khối lượng dự kiến tăng trong tuần tới, Streible nói. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức đỉnh 1 tháng với việc không có yếu tố xúc tác nào lớn để thúc đẩy hướng đi thị trường và nhiều nhà đầu tư không tham gia trước kỳ nghỉ Năm mới. Điều này làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất. Giá vàng đã sụt khoảng 5% từ đầu năm đến nay và chuẩn bị ghi nhận năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng. Vàng đã chạm đỉnh 1 tháng vào ngày 28/12 nhưng đã rớt xuống đáy 1 tuần vào phiên tiếp theo. Ngoài ra, góp phần kìm hãm đà tăng của vàng, chứng khoán Mỹ đã phục hồi nhờ sức hấp dẫn các tài sản rủi ro cao khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm làm giảm bớt lo ngại về thiệt hại kinh tế trước sự tăng vọt số ca nhiễm Covid ở Mỹ.