Ngày đăng: 31/08/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp, gây tổn hại đến đà leo dốc phục hồi mùa hè, khi Fed và các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu tiếp tục báo hiệu sẽ nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, bất chấp những hậu quả tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế và, có khả năng, là lợi nhuận doanh nghiệp. Đóng cửa, chỉ số S&P 500 lùi 1,1% xuống 3.986,16 điểm, rớt mốc 4.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 7/2022. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1,1% còn 11.883,14 điểm. Chỉ số Dow Jones rớt 308,12 điểm (-1%) xuống 31.790,87 điểm. Những nhận định mới nhất đến từ Chủ tịch Fed khu vực New York, John Williams, vào ngày thứ Ba. “Tôi nghĩ rằng với nhu cầu vượt xa cung, chúng ta gần phải có lãi suất thực… trên 0. Chúng tôi cần có chính sách hạn ché phần nào để làm chậm nhu cầu, và chúng tôi vẫn chưa đạt được điều đó”, ông Williams nói với Wall Street Journal. Những nhận định của ông Williams đưa ra tương tự với quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Thống đốc Ngân hàng trung ương Estonia, Madis Muller. Ông Muller cho biết vào ngày thứ Ba rằng ngân hàng trung ương nên thảo luận về mức nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 9 do lạm phát đặc biệt cao. Lãi suất ngắn hạn tiếp tục cao hơn khi nhà đầu tư kỳ vọng sẽ còn nhiều đợt nâng lãi suất. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm chạm mức cao nhất trong gần 15 năm.
- Giá dầu có lúc sụt hơn 7 USD/thùng, mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng, do lo ngại rằng sự suy yếu do lạm phát của các nền kinh tế thế giới sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu, và do tình hình bất ổn ở Iraq đã không làm giảm lượng xuất khẩu dầu thô của quốc gia OPEC này. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 5,5% xuống 99,31 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 5,37 USD (-5,5%) còn 91,64 USD/thùng. Lạm phát đang gần mức 2 con số ở nhiều nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu phải nâng lãi suất quyết liệt hơn, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và gây áp lực lên nhu cầu nhiên liệu. Bên cạnh đó, chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết giá dầu tiếp tục giảm sau những nhận định từ Giám đốc tiếp thị công ty nhà nước SOMO của Iraq rằng kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này không bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, SOMO cho biết họ có thể chuyển hướng nhiều dầu hơn đến châu Âu nếu được yêu cầu.
- Giá vàng giảm khi nhà đầu tư định lại vị thế trong giai đoạn lãi suất cao ở Mỹ và nhiều nơi khác. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,83% xuống 1.723,49 USD/oz, sau khi chạm mức thấp nhất trong 1 tháng là 1.719,56 USD/oz vào ngày thứ Hai (29/8). Hợp đồng vàng tương lai mất 0,8% còn 1.735,3 USD/oz. David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định: “Tiếp tục có áp lực lên vàng từ những nhận định của Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi tuần trước đã làm tăng kỳ vọng về sự quyết liệt của Fed. Vàng được xem là một tài sản không đem lại lợi suất sẽ gặp nhiều cạnh tranh”. Tuy nhiên, vàng cuối cùng sẽ phân hoá và chứng kiến một số dòng tiền trú ẩn an toàn ở một thời điểm nào đó nếu nền kinh tế bắt đầu suy yếu, ông Meger nói thêm.