Ngày đăng: 30/09/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Các chỉ số chứng khoán Mỹ tái diễn đà bán tháo năm 2022, đẩy S&P 500 xuống đáy mới của năm trước nỗi lo rằng suy thoái cũng không thể ngăn Fed nâng lãi suất. Đóng cửa, S&P 500 hạ 2,1% 3.640,47 điểm, mức đóng cửa thấp nhất trong năm nay. Có thời điểm trong phiên, chỉ số này cũng rớt xuống mức thấp nhất 2022 tại 3.610,40 điểm. Đây cũng là mức thấp nhất trong phiên của S&P 500 kể từ năm 2020. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average sụt mạnh 458,13 điểm (-1,54%) xuống 29.225,61 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 2,84% còn 10.737,51 điểm. Làn sóng bán tháo diễn ra trên toàn thị trường và cổ phiếu bị xả hàng mạnh nhất chính là Apple sau khi bị một ngân hàng đầu tư lớn hạ bậc khuyến nghị từ “mua” sang “trung lập”. Apple khép phiên với mức giảm mạnh 4,9%. Hiện cả ba chỉ số chính đều đang hướng đến tuần và tháng giảm điểm mạnh, dẫn đầu là Nasdaq Composite với mức giảm khoảng 9,1% trong tháng này. Trong khi đó, Dow Jones và S&P 500 mất xấp xỉ lần lượt 7,3% và 7,9%. Còn tính từ đầu tuần đến nay, S&P 500 giảm 1,4% trong khi Dow Jones và Nasdaq Composite cùng hạ 1,2%.
- Dầu tiếp tục rớt giá sau khi chạm mức 90 USD/thùng trong lúc nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu rõ ràng về khả năng OPEC+ sẽ cắt sản lượng vào tuần tới và đồng USD rút khỏi các mức cao nhất trong 20 năm. Hợp đồng dầu thô Brent tương lai giảm 0,9% và đóng cửa tại mức 88,49 USD/thùng, sau khi có thời điểm lên tới 90,12 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô WTI tháng 11 tại Mỹ hạ 1,1% xuống 81,23 USD/thùng. 3 nguồn tin cho Reuters hay các thành viên hàng đầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, gọi chung là OPEC+, đã bắt đầu thảo luận về việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp tiếp theo của tổ chức này vào ngày 05/10. Trong tuần này, Reuters cũng đưa tin Nga có thể đề xuất OPEC+ giảm sản lượng dầu bớt 1 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, chỉ số đồng USD một lần nữa suy yếu trong ngày thứ Năm và rút khỏi các mức cao nhất trong 20 năm, qua đó cho thấy nhà đầu tư đã phần nào thích đầu tư trở lại vào các kênh rủi ro hơn.
- Giá vàng gần như đi ngang khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao và mối lo ngại về chính sách tiền tệ quyết liệt của Fed đã gây sức ép lên kim loại quý. Tuy nhiên, sự sụt giảm của đồng USD đã hỗ trợ giá vàng. Hợp đồng vàng giao ngay ít thay đổi tại 1.659,09 USD/oz sau khi có thời điểm giảm tới hơn 1% xuống 1.640,30 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai tại Mỹ hạ 0,1% xuống 1.668,60 USD/oz. Đồng USD rút lui, giúp vàng ít đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Tuy nhiên, kim loại quý vẫn giảm giá sau số liệu cho thấy số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua tại Mỹ giảm về mức 193.000, thấp hơn so với mức dự báo 215.000. Nhà đầu tư cũng quan tâm đến loạt số liệu kinh tế Mỹ với GDP quý 2 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhẹ hơn so mức sụt giảm 1,6% trong quý đầu năm nay.