Quay lại

Ngày đăng: 30/08/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm khi nhà đầu tư đấu tranh giành lại vị thế của mình từ đợt bán tháo tuần trước, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về lãi suất tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones lùi 184,41 điểm (-0,57%) xuống 32.098,99 điểm, chỉ số S&P 500 mất 0,67% còn 4.030,61 điểm và chỉ số Nasdaq Composite rớt 1,02% xuống 12.017,67 điểm. Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm vào ngày thứ Hai khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm ghi nhận mức cao nhất trong 15 năm do lo ngại lãi suất cao vẫn còn. Adam Crisafulli của Vital Knowledge nhận định: “Trong khi lực bán mạnh mẽ và không ngừng từ ngày 26/8 đang giảm bớt, nhu cầu mua thực sự không có – ngay cả khi đà tăng cũng muốn vượt qua một số sự kiện vĩ mô quan trọng trong tuần này (bao gồm dữ liệu về PMI của Trung Quốc và CPI của châu Âu vào ngày 31/8 và báo cáo việc làm của Mỹ vào ngày 02/9) trước khi tăng trong dài hạn”. 
  • Giá dầu tăng hơn 4%, nối dài đà tăng tuần trước, khi khả năng OPEC+ cắt giảm sản lượng và xung đột ở Libya đã giúp bù đắp đà tăng của đồng USD và triển vọng tăng trưởng xấu đi của Mỹ. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 4,10 USD (+4,1%) lên 105,09 USD/thùng, sau khi tăng 4,4% trong tuần trước. Hợp đồng dầu WTI cộng 3,95 USD (+4,2%) lên 97,01 USD/thùng, sau khi tăng 2,5% trong tuần trước. Sugandha Sachdeva, Phó Chủ tịch nghiên cứu hàng hoá tại Religare Broking, nhận định: “Giá dầu đang nhích lên cao hơn do hy vọng OPEC và các đồng minh sẽ cắt giảm sản lượng để khôi phục cân bằng thị trường nhằm phản ứng trước sự hồi sinh thoả thuận hạt nhân Iran”. Ả-rập Xê-út, nhà sản xuất hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), vào tuần trước đã đưa ra khả năng cắt giảm sản lượng, mà nhiều nguồn tin cho biết có thể trùng hợp với sự gia tăng nguồn cung từ Iran nếu nước này đạt được thoả thuận hạt nhân với phương Tây. Bên cạnh đó, bất ổn ở thủ đô của Libya vào cuối tuần, khiến 32 người thiệt mạng, đã làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể rơi vào một cuộc xung đột toàn diện và làm gián đoạn nguồn cung dầu từ quốc gia OPEC này. 
  • Giá vàng quay đầu tăng nhẹ khi đà tăng của đồng USD chững lại, vốn đã khiến giá vàng rớt xuống mức thấp nhất trong 1 tháng vào đầu phiên sau khi Fed báo hiệu nâng lãi suất cao hơn. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay nhích 0,04% lên 1.737,59 USD/oz. Giá vàng đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 27/7/2022 là 1.719,56 USD/oz vào đầu phiên. Hợp đồng vàng tương lai cũng tiến 0,04%. Bob Haberkorn, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Vàng bị bán tháo sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và hiện tại tăng là do việc săn lùng món hời thuần tuý cũng như đồng USD giảm… Vàng sẽ sớm bắt đầu giao dịch trong một phạm vi hẹp cho đến khi có thêm manh mối từ Fed”. Đồng USD lùi 0,2%, giảm nhẹ so với mức đỉnh 2 thập kỷ, làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Góp phần kìm hãm đà tăng của vàng, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng tăng trong phiên. 
Bản tin phái sinh 30/08/2022 - Mua thấp, bán cao trong vùng tích lũy
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang