Ngày đăng: 29/11/2021
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Sáu với việc Dow Jones bốc hơi 900 điểm - phiên tồi tệ nhất trong năm, khi một biến thể Covid-19 mới được tìm thấy ở Nam Phi đã dẫn đến sự tháo chạy toàn cầu khỏi các tài sản có rủi ro. Kết phiên, chỉ số Dow Jones rớt 905,04 điểm (-2,53%) xuống 34.899,34 điểm, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Chỉ số S&P 500 mất 2,27% còn 4.594,62 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite lùi 2,23% xuống 15.491,66 điểm. Dow Jones đã sụt hơn 1.000 điểm ở mức đáy trong phiên. Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 25/11 cảnh báo về một biến thể Covid-19 mới đã được phát hiện ở Nam Phi. Biến thể mới chứa nhiều đột biến đối với protein, thành phần của virus liên kết với tế bào, dễ lây lan hơn so vơi biến thể delta. Do những đột biến này, các nhà khoa học lo ngại nó có thể làm tăng khả năng kháng vắc-xin, mặc dù WHO cho biết cần phải điều tra thêm. Bên cạnh đó, giá trái phiếu tăng và lợi suất trái phiếu giảm trong bối cảnh dòng tiền đổ về các kênh trú ẩn an toàn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm mất 15 điểm cơ bản còn 1,49%. Đây là một sự đảo chiều mạnh mẽ, khi lợi suất đã nhảy vọt hồi đầu tuần vượt mức 1,68%.
- Giá dầu ghi nhận phiên tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay vào ngày thứ Sáu, giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng khi một biến thể Covid-19 mới làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm nhu cầu ngay khi nguồn cung tăng. Giá dầu suy yếu trong bối cảnh thị trường bán tháo rộng rãi với chỉ số Dow Jones “bốc hơi” hơn 900 điểm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 25/11 đã cảnh báo về một biến thể Covid-19 mới được tìm thấy ở Nam Phi. Nó có thể kháng vắc-xin cao hơn do các đột biến của mình, mặc dù WHO cho biết cần phải điều tra thêm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/11, hợp đồng dầu WTI sụt 10,24 USD (-13,06%) xuống 68,15 USD/thùng, rớt mốc quan trọng 70 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của hợp đồng này kể từ tháng 4/2020. Hợp đồng dầu WTI khép phiên dưới mức trung bình động 200 phiên – một chỉ báo kỹ thuật quan trọng – lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020. Hợp đồng dầu Brent mất 11,55% còn 72,72 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu đều giảm phiên thứ 5 liên tiếp, đánh dấu chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 3/2020. Việc đi lại hạn chế và khả năng áp các lệnh phong tỏa mới, cả 2 đều có thể ảnh hưởng đến nhu cầu, ngay khi nguồn cung sắp tăng lên.
- Giá vàng khởi sắc do lo ngại về tác động đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu, do sự lây lan của một biến thể Covid-19 mới được phát hiện ở Nam Phi, đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến kim loại trú ẩn an toàn. Đóng cửa, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,9% lên 1.805,26 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 1,2% lên 1.805,20 USD/oz. Hỗ trợ đà tăng của vàng, chỉ số đồng USD lùi 0,4% từ mức đỉnh 16 tháng ghi nhận hồi đầu tuần, làm giảm chi phí của vàng đối với người mua nắm giữ những đồng tiền khác. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng suy yếu. Tuy nhiên, tuần qua, vàng vẫn ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 06/8 do kỳ vọng ngày càng tăng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thu hẹp chương trình mua tài sản và nâng lãi suất với tốc độ nhanh hơn. Việc giảm bớt các biện pháp kích thích và nâng lãi suất có xu hướng thúc đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, qua đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.