Ngày đăng: 29/07/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ 2 liên tiếp, ngay cả sau khi dữ liệu GDP mới nhất của Mỹ cho thấy sự suy giảm lần thứ 2 liên tiếp, khi nhà đầu tư kỳ vọng rằng suy thoái kinh tế sẽ khiến Fed sớm kết thúc chiến dịch nâng lãi suất quyết liệt. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 332,04 điểm (+1%) lên 32.529,63 điểm. Chỉ số này đã vọt hơn 400 điểm trong phiên trước đó. Chỉ số S&P 500 cộng 1,2% lên 4.072,43 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite tiến gần 1,1% lên 12.162,59 điểm. Cả 3 chỉ số chính đều hướng đến ghi nhận mức tăng trong tuần cũng như tháng tốt nhất từ đầu năm 2022 đến nay. Sau khi tích tắc giảm điểm sau báo cáo GDP, nhà đầu tư đã rũ bỏ những lo ngại rằng nỗ lưc của Fed để kiềm chế lạm phát sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 0,9% trong quý 2, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 0,3% từ Dow Jones. GDP quý 1 của Mỹ giảm 1,6%. Mike Loewengart, Giám đốc điều hành chiến lược đầu tư của E-Trade, cho biết về báo cáo GDP rằng: “Mặc dù chắc chắn có mặt tiêu cực của các ước tính, nhưng hãy nhớ rằng mức giảm 1% là tương đối nhỏ và ủng hộ ý tưởng rằng bất kỳ khả năng suy thoái nào xảy ra cũng sẽ nhẹ nhàng”. Nhiều người mô tả suy thoái là khi có 2 quý liên tiếp tăng trưởng kinh tế âm. Nó mang nhiều sắc thái hơn thế. Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, cơ quan đánh giá suy thoái chính thức, sẽ xem xét một số yếu tố bổ sung. Những động thái này diễn ra sau một đợt phục hồi trên diện rộng trong phiên trước đó, sau khi Fed nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 2 liên tiếp để đối phó với lạm phát, và nhà đầu tư kỳ vọng vào việc liệu ngân hàng trung ương có thể ngăn chặn lạm phát mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái hay không.
- Giá dầu diễn biến trái chiều khi lo ngại về khả năng suy thoái toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng đã bù đắp cho dự trữ dầu thô tại Mỹ thấp và sự phục hồi trong tiêu thụ xăng ở Mỹ. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 52 xu lên 107,14 USD/thùng, trong khi hợp đồng dầu WTI lùi 84 xu (-0,9%) xuống 96,42 USD/thùng. Giá dầu đã xoá bớt đà tăng vào giữa phiên sáng sau khi Bộ Thương mại Mỹ báo cáo tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ giảm quý thứ 2, làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng. Bên cạnh đó, cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa sụt 4,5 triệu thùng trong tuần trước, mạnh hơn so với dự báo giảm 1 triệu thùng, trong khi nhu cầu xăng tại Mỹ tăng 8,5% trong tuần qua. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sẽ xem xét không thay đổi sản lượng dầu trong tháng 9 khi nhóm họp vào tuần tới, bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ về việc bổ sung thêm nguồn cung, mặc dù mức tăng sản lượng nhỏ cũng có thể được đưa ra thảo luận.
- Giá vàng tăng hơn 1% khi nền kinh tế Mỹ suy yếu đã thúc đẩy sức hấp dẫn của kim loại trú ẩn an toàn và giúp vàng nối dài đà tăng, vốn được hỗ trợ do quan điểm bớt quyết liệt hơn từ Chủ tịch Fed. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 1,22% lên 1.755,04 USD/oz, được hỗ trợ bởi đà suy yếu của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Hợp đồng vàng tương lai cộng 1,97% lên 1.752,90 USD/oz. Nền kinh tế Mỹ bất ngờ suy giảm trong quý 2, với chi tiêu tiêu dùng tăng chậm nhất trong 2 năm và chi tiêu kinh doanh giảm, điều này có thể khiến thị trường lo ngại rằng nền kinh tế đã rơi vào suy thoái. Sau khi dữ liệu GDP xác nhận lo ngại về suy thoái, nhà đầu tư dự báo Fed sẽ chậm lại trong việc nâng lãi suất, qua đó làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Sau cuộc họp của Fed vào ngày 27/7, cơ quan này đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, ông Powell cho biết một đợt nâng lãi suất “lớn bất thường” có thể phù hợp tại cuộc họp tháng 9, tuy nhiên, quyết định sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế mới cho đến thời điểm đó.