Quay lại

Ngày đăng: 29/07/2019

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
•  Tuần qua, hai chỉ số chủ chốt của thị trường Mỹ là S&P 500 và Nasdaq đã đóng phiên ở mức cao kỷ lục, nhờ số liệu kinh tế tích cực và báo cáo kinh doanh khả quan của doanh nghiệp.Chốt tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,14% lên 27.192,45 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,65% lên 3.025,86 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,26% lên 8.330,21 điểm. Theo nhiều chuyên gia, kết quả kinh doanh vững mạnh trong quý II/2019 của nhiều doanh nghiệp lớn như Alphabet Inc, Intel Corp, Starbucks Corp và McDonald's Corp đã đã giúp xoa dịu mối lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng suy giảm doanh thu và lợi nhuận. Một số liệu khác chi phối Phố Wall là thống kê cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong quý II/2019, cao hơn dự kiến của các nhà phân tích, nhờ sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng.Thêm vào đó, thông tin mới về tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng tạo đà đi lên cho thị trường chứng khoán.Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dự kiến sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Trung Quốc vào tuần tới để tiếp tục đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước.Tuần tới, các nhà giao dịch sẽ ngóng đợi các cuộc đàm phán diễn ra tại Trung Quốc nhằm giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày từ 30-31/7 của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ, với dự kiến ngân hàng này sẽ hạ lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ, cũng là sự kiện thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
•  Thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt tăng điểm bất chấp ECB phát tín hiệu sẽ xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng Euro. Kết quả này của cuộc họp không nằm ngoài dự báo, nhưng điều đáng nói Chủ tịch ECB Mario Draghi tỏ ra lạc quan hơn so với kỳ vọng của thị trường khi đánh giá về sức khỏe nền kinh tế Eurozone. Kết thúc tuần qua, Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.549 điểm (+0,054%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.420 điểm (+1,30%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.610 điểm (+1,04%). 
•  Chứng khoán Nhật Bản hồi phục tích cực gần 0,9% lên 21.658 điểm. Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng giảm trái chiều. Tính chung cả tuần, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng 0,70% lên 2.945 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 1,28% xuống 28.398 điểm. Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 15/7 công bố số liệu cho hay kinh tế nước này tăng trưởng 6,2% trong quý II/2019, mức thấp nhất trong 27 năm qua, do các tác động bất lợi của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp của nước này tăng 6,3% trong tháng 6/2019 từ mức thấp nhất 17 năm qua của tháng 5/2019. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đã và đang trên đà giảm kể từ 6 tháng cuối năm 2018 khi nền kinh tế giảm tốc và xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, trong đó nhiều công ty công nghiệp trì hoãn ra quyết định kinh doanh và giảm bớt quy mô đầu tư vào hoạt động sản xuất.
•  Giá dầu thế giới đã có một tuần hồi phục tích cực, đảo ngược lại mức giảm khá sâu ghi nhận hồi tuần trước, do những số liệu tích cực về kinh tế Mỹ và tình hình bất ổn tại Trung Đông gia tăng.Tính chung trên cả tuần, giá dầu Brent đã tăng 1,7%, sau khi để mất tới 6% hồi tuần trước. Giá dầu WTI cũng tăng 1,2%, đảo ngược so với mức giảm 7,5% của tuần trước đó. Tuần qua, giá dầu đi lên khi nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại khu vực giàu năng lượng Trung Đông sau khi Iran ngày 19/7 đã bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Anh tại khu vực vùng Vịnh nhằm đáp trả hành động tương tự của Anh đối với tàu chở dầu của Iran hồi đầu tháng này.Động thái này đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại Eo biển Hormuz, nơi trung chuyển khoảng 1/5 nguồn cung dầu thế giới.

Bản tin phái sinh 29/07/2019 - Hoạt động trading gặp nhiều khó khăn
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang