Ngày đăng: 29/04/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ khởi sắc sau báo cáo lợi nhuận mạnh mẽ từ Meta Platforms, khi thị trường tìm cách phục hồi sau đợt bán tháo của tháng này. Đóng cửa, chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,1% lên 12.871,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 2,5% lên 4.287,50 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 614,46 điểm (+1,9%) lên 33.916,39 điểm. Nhà đầu tư đã vượt qua những phiên giao dịch đầy biến động trong tuần này khi các cổ phiếu đấu tranh tìm hướng đi. Các chỉ số chính đã tăng mạnh vào ngày thứ Hai (25/4), nhưng quay đầu giảm vào ngày thứ Ba (26/4), dẫn đến Nasdaq Composite ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Chứng khoán Mỹ đã cố gắng phục hồi vào ngày thứ Tư (27/4), nhưng xóa sạch đà tăng vào cuối phiên với Nasdaq Composite gần như đi ngang ở mức đáy năm 2022. Mặc dù khởi sắc vào ngày thứ Năm, Nasdaq Composite vẫn đang trên đà ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020, sụt 9,5%. S&P 500 sụt gần 5,4% và Dow Jones giảm 2,2% từ đầu tháng 4 đến nay, trước phiên giao dịch cuối cùng của tháng. Một loạt báo cáo kết quả kinh doanh đã thúc đẩy tâm lý thị trường vào ngày thứ Năm, dường như bật đèn xanh cho nhà đầu tư chọn ra những cổ phiếu đang bị đánh bại.
- Giá dầu tăng sau khi báo cáo cho hay Đức không còn phản đối lệnh cấm vận dầu Nga, điều này có thể khiến nguồn cung eo hẹp hơn trên thị trường dầu thô toàn cầu vốn đã rất căng thẳng. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 2,2% lên 107,59 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 3,3% lên 105,36 USD/thùng. Các đại diện của Đức tại Liên minh châu Âu (EU) đã không còn phản đối lệnh cấm hoàn toàn dầu Nga miễn là Berlin có thời gian đảm bảo nguồn cung thay thế, Wall Street Journal đưa tin vào ngày thứ Năm. Bài báo lặp lại nhận định của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck vào ngày 26/4, khi ông cho biết nền kinh tế lớn nhất của EU có thể đối phó với lệnh cấm vận nhập khẩu dầu Nga của Liên minh này và họ hy vọng sẽ tìm được cách thay thế dầu Nga bằng nguồn cung khác.
- Giá vàng đã chạm mức thấp nhất trong 10 tuần khi đồng USD tăng mạnh làm ảnh hưởng nhu cầu kim loại quý, trong khi việc Fed sắp nâng lãi suất cũng làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một kênh phòng ngừa lạm phát. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,5% lên 1.895,43 USD/oz, sau khi dao động ở mức thấp 1.877,18 USD/oz – mức thấp nhất kể từ ngày 16/02. Hợp đồng vàng tương lai tăng nhẹ lên 1.896,7 USD/oz. Vàng đã chịu áp lực từ đồng USD và yếu tố cơ bản là Fed dự kiến nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tuần tới. Chỉ số đồng USD đang ở mức cao nhất trong 5 năm và đà tăng trên mức 103,82 sẽ giúp chỉ số này ghi nhận mức cao nhất kể từ cuối năm 2002. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng, khi nhà đầu tư chờ đợi sự rõ ràng hơn về chính sách thắt chặt mà Fed có kế hoạch theo đuổi vào tuần tới để đối phó với lạm phát.