Ngày đăng: 29/03/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chỉ số S&P 500 tăng điểm, nối dài 2 tuần tăng liên tiếp, khi nhà đầu tư rũ bỏ những lo ngại về suy thoái và các cổ phiếu công nghệ lớn tăng vọt. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 94,65 điểm (+0,27%) lên 34.955,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 0,7% lên 4.575,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,3% lên 14.354,90 điểm, nhờ cổ phiếu Tesla vọt 8%. S&P 500 đã leo lên mức đỉnh trong phiên khi giá dầu thô chạm đáy trong ngày, sụt hơn 11%. Cổ phiếu Tesla dẫn đầu đà tăng nhóm cổ phiếu công nghệ sau khi công ty này cho biết muốn chia tách cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Cổ phiếu Tesla vọt 8%. Các cổ phiếu công nghệ khác, vốn là một trong những nhóm có thành quả tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay, cũng tăng như cổ phiếu Microsoft và Amazon. Cũng góp phần thúc đẩy tâm lý thị trường, chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, khép phiên rớt mốc 20 lần đầu tiên kể từ ngày 14/01/2022. Trong khi đó, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi những diễn biến trong cuộc chiến Nga – Ukraine. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa 2 quốc gia dự kiến tiếp tục diễn ra trong tuần này, với việc phái đoàn từ 2 bên sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày thứ Hai. Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên rằng các cuộc thảo luận có thể nối lại vào ngày thứ Ba (29/3).
- Giá dầu sụt hơn 8% xuống thấp nhất trong phiên khi những lo ngại về các đợt phong tỏa mới ở Trung Quốc và khả năng tác động đến nhu cầu đã khiến giá dầu lao dốc. Kết phiên, hợp đồng dầu WTI mất 7% còn 105,96 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent lùi 6,77% xuống 112,48 USD/thùng. Vào ngày thứ Hai, Commerzbank cho biết trong một lưu ý đến khách hàng: “Sự trượt giá trong ngày hôm nay trước hết là do lo ngại về nhu cầu hiện nay khi mà thành phố Thượng Hải của Trung Quốc rơi vào tình trạng phong tỏa một phần”. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, vì vậy bất kỳ sự suy giảm nào về nhu cầu đều sẽ gây áp lực lên giá dầu. Quốc gia này sử dụng khoảng 15 triệu thùng dầu/ngày, và nhập khẩu 10,3 triệu thùng/ngày trong năm 2021, theo Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates, chia sẻ.
- Giá vàng giảm do áp lực từ đà tăng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD mạnh. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1,2% xuống 1.933,12 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,7% còn 1.939,80 USD/oz. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2019 trong phiên, được hỗ trợ bởi dự báo Fed sẽ nâng lãi suất tích cực hơn nhằm đối phó với lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, Jim Wycoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, nhận định đà sụt giảm của vàng sẽ bị kìm hãm bởi những lo ngại về lạm phát. Chỉ số đồng USD tiến 0,4%, làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Sức hấp dẫn của kim loại trú ẩn an toàn cũng chịu áp lực bởi hy vọng về tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine trong hơn 2 tuần.