Quay lại

Ngày đăng: 28/09/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chỉ số S&P 500 rơi sâu hơn vào thị trường con gấu sau khi thiết lập mức đáy mới trong năm 2022, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng lên mức cao chưa từng thấy trong ít nhất 1 thập kỷ. Đóng cửa, chỉ số S&P 500 lùi 0,21% xuống 3.647,29 điểm. Trước đó trong phiên, chỉ số này có lúc sụt tới mức thấp 3.623,29 điểm, giảm xuống dưới mức đáy trong phiên là 3.636 điểm ghi nhận được vào giữa tháng 6/2022. Chỉ số Dow Jones mất 125,82 điểm (-0,43%) còn 29.134,99 điểm – xoá sạch mức tăng gần 400 điểm vào đầu phiên. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,25% lên 10.829,50 điểm. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mức 3,9%, tiếp tục hướng về mốc 4%. Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley Financial, nhận định: “Thực tế là chúng ta đã mất mốc hỗ trợ ở cả 3.900 điểm và 3.800 điểm và chắc chắn đã chạm tới mức đáy tháng 6, điều này nói cho bạn biết rằng môi trường né tránh rủi ro không thay đổi nhiều trong suốt 6 tuần qua”. “Chúng tôi vẫn lo ngại rằng Fed sẽ hành động quá mạnh tay và khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái”, ông Hogan chia sẻ. 
  • Giá dầu khởi sắc từ mức đáy 9 tháng ghi nhận trong phiên trước đó, được hỗ trợ bởi sự gián đoạn nguồn cung ở khu vực Vịnh Mexico nước Mỹ trước cơn bão Ian và đồng USD giảm nhẹ. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 2,6% lên 86,27 USD/thùng. Vào ngày thứ Hai (26/9), hợp đồng này đã rớt xuống mức thấp 83,65 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 01/2022. Hợp đồng dầu WTI cộng 2,33% lên 78,50 USD/thùng. Việc cắt giảm nguồn cung tập trung sự chú ý vào ngày thứ Ba cung cấp một số hỗ trợ. BP và Chevron cho biết vào ngày thứ Hai rằng sẽ tạm ngưng sản xuất tại các giàn khoan ngoài khơi ở Vịnh Mexico khi bão Ian đổ bộ. Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM nhận định: “Dầu hiện đang chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tài chính. Trong khi đó, đà phục hồi, như trong sáng nay do bão Ian gây ra ở vùng Vịnh nước mỹ, được xem là một hiện tượng tạm thời”. Trong kho đó, sức mạnh của đồng USD tạm lắng, trước đó đồng bạc xanh đã chạm mức cao nhất trong 20 năm, cũng mang đến một số hỗ trợ. Đồng USD mạnh hơn làm dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác và có xu hướng gây áp lực cho các tài sản rủi ro. 
  • Giá vàng phục hồi từ mức đáy 2 năm rưỡi khi đồng USD chững lại đà tăng đã giúp khôi phục sức hấp dẫn của kim loại được neo giá theo đồng bạc xanh, mặc dù rủi ro từ việc nâng lãi suất vẫn còn. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,38% lên 1.627,67 USD/oz, sau khi tăng hơn 1% lên 1.642,29 USD/oz vào đầu phiên. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,13% lên 1.635,60 USD/oz. Ryan McKay, Chiến lược gia hàng hoá tại TD Securities, nhận định: “Hôm nay chỉ là một chút phục hồi sau đà lao dốc được thấy trong những ngày gần đây… nhưng tôi không nghĩ rằng thực sự có bất kỳ sự thay đổi cơ bản nào diễn ra trên thị trường vàng”. Giá vàng cũng được hưởng lợi từ việc giá điều chỉnh tăng trở lại từ áp lực bán tháo gần đây và do các nhà đầu tư hợp đồng tương lai ngắn hạn thực hiện mua bù thiếu (short covering), Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, lưu ý. Tuy nhiên, vàng phải đối mặt với áp lực từ các đợt nâng lãi suất mạnh mẽ có xu hướng làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất. 
Bản tin phái sinh 28/09/2022 - Kỳ vọng tạo vùng cân bằng quanh 1.175 điểm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang