Quay lại

Ngày đăng: 28/03/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 153,3 điểm (+0,4%) lên 34.861,24 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,5% đóng cửa tại 4.543,06 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite lùi khoảng 0,2% khép phiên tại 14.169,30 điểm. Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp. Dow Jones tăng 0,3%, S&P 500 tiến 1,8%, và Nasdaq vọt gần 2%. Từ đầu tháng 3 đến nay, S&P 500 đã tăng khoảng 3,9%, qua đó xóa sạch đà sụt giảm kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng trước. Thị trường phục hồi ngay cả khi cuộc chiến tại Ukraine vẫn tiếp diễn và lãi suất tăng cao với việc Fed có thể nâng lãi suất một số lần trong năm nay. “Cổ phiếu phục hồi bất chấp quan điểm ‘diều hâu’ của Fed và mối lo lắng về tình trạng lạm phát đình trệ (tức lạm phát kèm suy thoái) khi nhiều nhà đầu tư cho rằng không còn kênh đầu tư nào thay thế cho cổ phiếu”, nhận định của Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management. 
  • Giá dầu giảm trong ngày thứ Sáu khi nỗi lo về nguồn cung lắng dịu trước kỳ vọng hoạt động xuất khẩu dầu thô từ cảng CPC của Kazakhstan sẽ bình thường trở lại. Trong khi đó, EU vẫn còn bất đồng về việc liệu có áp dụng lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga. Dầu Brent giảm 1,28 USD xuống 117,69 USD/thùng. Dầu WTI tại Mỹ trượt 1,74% xuống 110,60 USD/thùng sau khi cả hai hợp đồng này đều giảm hơn 2% trong phiên trước. Cả Mỹ và Anh, hai quốc gia ít phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga hơn so với Liên minh châu Âu (EU), đã áp đặt các lệnh cấm đối với dầu thô của Nga. Do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn dầu khí từ Nga nên EU đang đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan về việc liệu có áp đặt các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực này. “Do EU là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, nên việc châu Âu cắt nhập khẩu dầu của Nga càng nhanh, giá dầu toàn cầu sẽ càng tăng cao”, các nhà phân tích của J.P. Morgan nhận định trong một báo cáo. Các nguồn tin OPEC cho hay, các quan chức của tổ chức này tin tưởng rằng khả năng EU cấm vận dầu mỏ Nga sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và tổ chức này đã bày tỏ lo ngại trên đối với Brussels. Trong bối cảnh dự trữ toàn cầu đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014, các nhà phân tích cho rằng thị trường vẫn còn dễ bị tổn thương với bất kỳ cú sốc nào về nguồn cung. 
  • Giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng mạnh. Dù vậy, kim loại quý vẫn tăng giá trong tuần qua trước mối lo ngại về cuộc chiến tại Ukraine và đà tăng giá càng gia tăng sức hấp dẫn của kênh đầu tư này như một nơi trú ẩn an toàn. Giá vàng giao ngay giảm 0,13% xuống 1.954,84 USD/oz trong khi hợp đồng vàng tương lai tại Mỹ hạ 0,38% còn 1.954,8 USD/oz. Nhận được sự hỗ trợ từ kỳ vọng về chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, qua đó gia tăng chi phí nắm giữ kim loại quý. “Nếu lãi suất tiếp tục tăng với tốc độ nhanh có thể hạn chế đà tăng của kim loại quý”, nhận định của Chris Gaffney, Chủ tịch các thị trường thế giới tại TIAA Bank. Tuy nhiên, bối cảnh chung của thị trường vẫn còn hỗ trợ kim loại quý. Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, xuất hiện làn sóng mua vàng để “tránh bão” cũng như ngừa lạm phát. Chúng tôi nhận thấy khách hàng đang đổ tiền vào vàng vì muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình”, ông Gaffney cho biết thêm. 
Bản tin phái sinh 28/03/2022 - Tiếp tục dao động đi ngang
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang