Ngày đăng: 28/02/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và khép lại một tuần giao dịch đầy biến động khi nhà đầu tư tiếp tục đánh giá các rủi ro về mặt tài chính bắt nguồn từ việc Nga tấn công Ukraine. Chỉ số Dow Jones tăng mạnh 834,92 điểm (+2,5%) đóng cửa tại 34.058,75 điểm, đánh dấu phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 11/2020 của chỉ số blue-chip này. Chỉ số S&P 500 tiến 2,2% lên 4.384,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhận 1,6% lên 13.694,62 điểm. Dù có 2 phiên tăng điểm mạnh nhưng Dow Jones vẫn ghi nhận tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, hai chỉ số còn lại là S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,8% và 1,1% trong tuần qua. Tâm lý thị trường được cải thiện sau khi điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng gửi một phái đoàn đàm phán tới thủ đô Minsk của Belarus để đàm phán với Ukraine. Trên lĩnh vực kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ thông báo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi, thước đo lạm phát chủ yếu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn so với dự báo tăng 5,1% từ các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Dow Jones.
- Giá dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu sau khi tăng mạnh vào đầu phiên do lo ngại việc trừng phạt Nga, một nước xuất khẩu dầu thô lớn, có thể làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Hợp đồng dầu Brent tháng 4 rớt 1,15 USD (-1,2%), đóng phiên tại 97,93 USD/thùng, sau khi lên tới 101,99 USD. Hợp đồng tháng 5 được giao dịch sôi động hơn cũng giảm 1,3 USD (-1,4%) còn 94,12 USD. Tương tự, hợp đồng dầu thô WTI tại Mỹ mất 1,22 USD (-1,3%) và kết thúc phiên giao dịch ở mức 91,59 USD/thùng, sau khi tạo đỉnh trong phiên tại 95,64 USD. Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, hợp đồng dầu Brent tăng khoảng 4,7%, trong khi hợp đồng WTI chỉ tăng khoảng 0,6%. Trong ngày thứ Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phản hồi lại hành động xâm lược bằng một loạt các biện pháp trừng phạt gây trở ngại cho việc kinh doanh bằng các đồng tiền lớn của Nga cùng với trừng phạt dành cho các ngân hàng và doanh nghiệp của nước này. Anh, Nhật, Canada, Australia, và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã công bố biện pháp trừng phạt, trong đó Đức đã dừng cấm phép cho đường ống dầu trị giá 11 tỷ USD của Nga. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ nói rằng sự trừng phạt sẽ không đặc biệt nhắm vào dòng chảy năng lượng của Nga, nước sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới và là đối tác cung cấp khí thiên nhiên lớn của châu Âu.
- Giá vàng đảo chiều giảm 1% trong phiên giao dịch ngày giao dịch thứ Sáu khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine gây ra nhiều biến động mạnh trên thị trường vàng bạc đá quý. Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,9% xuống 1.887,05 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 4 giảm mạnh 2% xuống 1.887,60 USD/ounce. Chuyên viên phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết: “Chúng tôi cho rằng việc giá giảm bây giờ là quá sớm, xung đột có nguy cơ leo thang hơn nữa và đó có thể chỉ là một sự điều chỉnh tạm thời”. Ông Briesemann cũng cho biết thêm là có thể những người tham gia thị trường dự đoán các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga không đủ cứng rắn. Giá của kim loại trú ẩn an toàn đã tăng hơn 3% lên mức 1.973,96 USD trong ngày giao dịch trước đó sau khi Nga tấn công Ukraine. Hiện tại, giá đã giảm hơn 90 USD so với mức cao nhất của ngày thứ Năm.