Ngày đăng: 27/09/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chỉ số S&P 500 ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất mới cho năm 2022 và Dow Jones rơi vào vùng thị trường giá xuống, khi lãi suất tăng và bất ổn làm rung chuyển thị trường tiền tệ toàn cầu. Đóng cửa, chỉ số S&P 500 lùi 1,03% xuống 3.655,04 điểm, giảm xuống dưới mức đóng cửa thấp nhất hồi tháng 6/2022 là 3.666,77 điểm. Có thời điểm trong phiên, chỉ số này đã giảm xuống 3.644,76 điểm. Chiến dịch nâng lãi suất quyết liệt của Fed, cùng với động thái cắt giảm thuế của Anh được công bố vào tuần trước đã khiến đồng USD tăng. Trong khi đó, đồng Euro chạm mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 2002. Đồng bạc xanh tăng vọt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các công ty đa quốc gia Mỹ và cũng tàn phá thương mại toàn cầu, với phần lớn hoạt động được giao dịch bằng đồng USD. Giám đốc chiến lược chứng khoán Mỹ Michael Wilson của Morgan Stanley nhận định: “Đồng USD mạnh như vậy trong lịch sử đã dẫn đến một số khủng hoảng kinh tế/ tài chính”.
- Giá dầu giảm 2 USD/thùng xuống mức thấp nhất 9 tháng, chịu áp lực bởi đồng USD tăng mạnh khi những người tham gia thị trường chờ đợi thông tin chi tiết về các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Chốt phiên, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 11/2022 giảm 2,09 USD (-2,4%) xuống 84,06 USD/thùng – dưới mức hôm 14/1/2022 và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 11/2022 giảm 2,06 USD (-2,3%) xuống 76,71 USD/thùng – thấp nhất kể từ ngày 6/1/2022. Cả hai loại dầu đều tăng trong đầu phiên giao dịch sau khi giảm 5% trong phiên trước đó. Đồng USD tăng lên mức cao nhất 2 thập kỷ, gây áp lực đối với nhu cầu dầu được định giá bằng đồng USD. Số liệu của Refinitiv Eikon cho thấy tác động của đồng USD tăng mạnh đối với giá dầu rõ rệt nhất trong hơn 1 năm qua. Đồng thời, việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia tiêu thụ dầu, làm dấy lên mối lo ngại về suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu dầu. Sự gián đoạn từ cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng ảnh hưởng đến thị trường dầu, với các lệnh trừng phạt của EU cấm dầu thô Nga bắt đầu từ tháng 12/2022, cùng với kế hoạch của các nước G7 đối với giới hạn giá dầu của Nga nhằm thắt chặt nguồn cung.
- Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất 2,5 năm, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD tăng mạnh, cùng với đó là lãi suất tăng cũng làm giảm sức hấp dẫn đối với vàng. Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1,2% xuống 1.623,79 USD/ounce, sau khi giảm xuống 1.620,85 USD/ounce – thấp nhất kể từ tháng 4/2020 và vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York giảm 1,3% xuống 1.633,4 USD/ounce. Như vậy, tính đến nay giá vàng đã giảm hơn 400 USD/ounce, tương đương hơn 20%, kể từ mức cao nhất hơn 2.000 USD/ounce đạt được hồi tháng 3/2022, khi các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất.