Ngày đăng: 27/07/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi Walmart hạ dự báo lợi nhuận, khiến các cổ phiếu bán lẻ khác suy giảm và làm gia tăng lo ngại rằng chi tiêu tiêu dùng có thể không đủ mạnh để giúp nước Mỹ thoát khỏi suy thoái. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 228,50 điểm (-0,71%) xuống 31.761,54 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 1,15% xuống 3.921,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1,87% còn 11.562,57 điểm. Walmart đã hạ dự báo lợi nhuận hàng quý và cả năm do lạm phát thực phẩm tăng cao. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo nhà đầu tư vốn đang cân nhắc về tác động đối với các cổ phiếu bán lẻ khác. Walmart cho biết lạm phát cao hơn đang khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho hàng hoá nói chung, đặc biệt là hàng may mặc. “Điều quan trọng nhất từ thông báo của Walmrt là lạm phát đang thay đổi chi tiêu của người dân như thế nào”, Robert Cantwell, Quản lý danh mục tại Upholdings, nhận định. “Thực phẩm hiện chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách của người dân, nhưng chi tiêu tổng thể nhìn chung vẫn không thay đổi”. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị đón nhận loạt kết quả kinh danh từ các công ty công nghệ vốn hoá lớn và dữ liệu kinh tế trong tuần này, cũng như kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), điều này sẽ giúp Phố Wall định hướng kỳ vọng trong thời gian còn lại của năm.
- Giá dầu đảo chiều từ đà tăng đầu phiên và khép phiên giảm khi nhà đầu tư lo ngại niềm tin người tiêu dùng giảm và chuẩn bị cho 20 triệu thùng dầu thô khác được giải phóng từ Kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ (SPR). Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 75 xu (-0,7%) xuống 104,40 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1,72 USD (-1,8%) còn 94,98 USD/thùng. Một cuộc thăm dò của Conference Board cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 1 năm rưỡi vào tháng 7/2022 do lo ngại lạm phát và lãi suất gia tăng. Cuộc thăm dò cũng cho thấy người tiêu dùng ít lạc quan hơn về thị trường lao động. Cùng với đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ bán thêm 20 triệu thùng dầu từ SPR như một phần của kế hoạch trước đó nhằm xoa dịu giá dầu đã nhảy vọt do cuộc xung đột Nga – Ukraine và sự phục hồi nhu cầu sau đại dịch.
- Giá vàng dao động trong biên độ hẹp khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế kéo dài đã bù đắp cho đà tăng của đồng USD, trong khi nhà đầu tư hướng sự chú ý đến cuộc họp kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay gần như đi ngang ở mức 1.717,54 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai hầu như không đổi ở mức 1.716 USD/oz. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm mạnh, khi cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt đang rình rập ở châu Âu đã khiến thị trường lo ngại về rủi ro khủng hoảng toàn cầu. Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, nhận định: “Đà suy giảm của lợi suất trái phiếu là một tín hiệu tốt đối với vàng… những lo ngại kéo dài trên thị trường chứng khoán, các vấn đề địa chính trị và nếu sự khan hiếm thị trường năng lượng gia tăng, thị trường sẽ có nhu cầu mạnh mẽ đối với tài sản trú ẩn an toàn”. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, cảnh báo rủi ro suy thoái do lạm phát cao và cuộc chiến Ukraine đang hiện thực hoá. Tuy nhiên, kìm hãm đã tăng của vàng là chỉ số đồng USD tiến 0,5%, làm vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người mua nước ngoài. Bên cạnh đó, thị trường hiện đang kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày thứ Tư (27/7).