Ngày đăng: 26/04/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones tăng 238,06 điểm (+0,7%) lên 34.049,46 điểm. Chỉ số này đã giảm tới 488 điểm vào đầu phiên. Chỉ số S&P 500 tiến 0,6% lên 4.296,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,3% lên 13.004,85 điểm. Lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã khiến lãi suất giảm. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lùi xuống 2,8%. Nhóm cổ phiếu công nghệ phục hồi khi lãi suất giảm, qua đó hỗ trợ các chỉ số chính. Cổ phiếu Microsoft tăng 2,4%, là mã tăng mạnh thứ 2 thuộc Dow Jones. Cổ phiếu Alphabet cũng vọt gần 2,9% và cổ phiếu Meta cộng 1,6% trước khi công bố kết quả kinh doanh quý 1 vào cuối tuần này. Cổ phiếu Twitter vọt 5,7% sau khi thông báo công ty chấp nhận thỏa thuận mua lại của tỷ phú Elon Musk trị giá 44 tỷ USD. Phố Wall đang chuẩn bị đón nhận một tuần bận rộn với hàng loạt báo cáo kết quả kinh doanh, đặc biệt là báo cáo từ các công ty công nghệ lớn. Khoảng 160 công ty thuộc S&P 500 dự kiến sẽ công bố báo cáo trong tuần này, và tất cả sự chú ý đổ dồn vào kết quả từ các công ty công nghệ vốn hóa lớn, bao gồm Amazon, Apple, Alphabet, Meta Platforms và Microsoft.
- Giá dầu sụt 4% xuống mức thấp nhất trong 2 tuần, do lo ngại ngày càng tăng về triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu vì các biện pháp phong tỏa Covid-19 kéo dài ở Thượng Hải và khả năng nâng lãi suất Mỹ. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 4,33 USD (-4,1%) xuống 102,32 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 3,53 USD (-3,5%) còn 98,54 USD/thùng. Đà lao dốc đó đã khiến các nhà đầu cơ Mỹ cắt giảm vị thế quyền chọn và hợp đồng tương lai dài hạn ròng vào tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Đồng thời gây áp lực cho giá dầu, đồng USD đã tăng lên đỉnh 2 tuần nhờ khả năng Mỹ nâng lãi suất. Đồng USD mạnh hơn làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm gữ những đồng tiền khác. Dầu nhận được hỗ trợ vào đầu năm nay nhờ nguồn cung thắt chặt sau khi cuộc tấn công vào ngày 24/02 của Nga vào Ukraine đã khiến nhiều khách hàng tránh xa dầu Nga vì các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thị trường có thể thắt chặt hơn nữa nếu Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu thô Nga.
- Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần do triển vọng thắt chặt chính sách mạnh tay hơn từ Fed và đồng USD mạnh hơn đã làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1,66% xuống 1.897,65 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 1,84% còn 1.898,8 USD/oz. Chuyên gia phân tích Carsten Menke của Julius Baer chia sẻ: “Dường như những lo ngại về nâng lãi suất đã chiếm ưu thế hơn”. Với kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 5, nhà đầu tư vào ngày 22/4 cược rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ còn mạnh tay hơn nữa trong những tháng tiếp theo để kiềm chế lạm phát gia tăng. “Chúng tôi nghĩ rằng áp lực lạm phát sẽ giảm bớt và điều đó sẽ làm mất đi một số nhu cầu trú ẩn an toàn mà chúng ta đã thấy đối với vàng”, ông Menke nói. Tài sản trú ẩn an toàn đối thủ, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.