Ngày đăng: 25/11/2021
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ vào ngày thứ Tư khi đà tăng gần đây của lợi suất trái phiếu tạm chững lại, cho phép các cổ phiếu công nghệ phục hồi. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số S&P 500 tiến 0,23% lên 4.701,46 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,44% lên 15.845,23 điểm. Trong khi chỉ số Dow Jones hạ 9,42 điểm (-0,03%) xuống 35.804,38 điểm. Đà leo dốc gần đây của lợi suất, bắt đầu xung quanh quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden về tái bổ nhiệm ông Jerome Powell cho vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày thứ Hai (22/11), đã hạ nhiệt một chút vào ngày thứ Tư. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động trên mức 1,68% trong tuần này sau khi khép phiên ngày 19/11 ở mức 1,55%. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn này đã giảm xuống khoảng 1,64% vào chiều ngày thứ Tư. Động thái của lợi suất trái phiếu hồi đầu tuần đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khởi nhóm cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng, trong khi thúc đẩy nhóm cổ phiếu ngân hàng và năng lượng. Thị trường bị chia rẽ đã khiến Dow Jones ghi nhận mức tăng từ đầu tuần đến nay, còn S&P 500 tăng dần và Nasdaq Composite giảm 1,3% bất chấp đà tăng điểm vào ngày thứ Tư. Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, công bố vào ngày thứ Tư, cho thấy các quan chức ngân hàng trung ương sẵn sàng đẩy nhanh thời điểm để giảm nhịp độ mua tài sản và nâng lãi suất nếu lạm phát vẫn ở mức cao. Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi biên bản họp được phát hành.
- Giá dầu ổn định vào ngày thứ Tư khi nhà đầu tư nghi ngờ về tính hiệu quả của việc giải phóng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược do Mỹ dẫn đầu và chuyển sang tập trung vào việc các nhà sản xuất sẽ phản ứng như thế nào. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent lùi 6 xu xuống 82,25 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 11 xu còn 78,39 USD/thùng. Mỹ cho biết sẽ giải phóng hàng triệu thùng dầu từ nguồn Dự trữ chiến lược cùng sự phối hợp với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh để cố gắng hạ nhiệt giá dầu sau khi OPEC+ phớt lờ lời kêu gọi bơm thêm nhiều dầu. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết vào ngày thứ Tư rằng một số quốc gia đã không có được vị thế hữu ích về giá dầu và khí đốt, đồng thời cho biết nguồn cung không đủ đáp ứng người tiêu dùng. Các nhà phân tích cho biết tác động lên giá dầu có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn sau khi nhiều năm đầu tư sụt giảm và sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết việc phối hợp giải phóng dự trữ có thể bổ sung khoản 70 – 80 triệu thùng dầu thô, nhỏ hơn so với mức hơn 100 triệu thùng mà thị trường đang định giá.
- Giá vàng giảm vào ngày 24/11 khi dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ thúc đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, trước khi biên bản cuộc họp tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cung cấp tín hiệu về việc nâng lãi suất trong tương lai. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,4% xuống 1.782,81 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai hạ 0,1% xuống 1.781,70 USD/oz. Vàng đã rớt mốc 1.800 USD/oz hồi đầu tuần này khi việc tái bổ nhiệm Chủ tịch Fed Jerome Powell đã làm tăng kỳ vọng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn, qua đó thúc đẩy đồng USD và khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua ở nước ngoài. David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định thị trường vàng đang chịu sức ép bởi những lo ngại rằng Fed có thể bắt đầu tăng tốc độ thắt chặt hoặc nâng lãi suất nhanh hơn so với dự đoán trước đó.