Ngày đăng: 25/04/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ lao dốc vào ngày thứ Sáu (22/4), với Dow Jones chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, khi loạt báo cáo kết quả lợi nhuận mới nhất và triển vọng lãi suất tăng đã thúc đẩy làn sóng bán ra. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones rớt 981,36 điểm (-2,8%) xuống 33.811,40 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 2,8% còn 4.271,78 điểm, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2022. Nasdaq Composite lùi 2,6% xuống 12.839,29 điểm. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones kề từ ngày 28/10/2020. Thị trường giảm điểm vào ngày thứ Sáu sau phiên đảo chiều ngoạn mục ngày thứ Năm (21/4), sau khi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường. Ông Powell cho biết trong một hội thảo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng việc kiềm chế lạm phát là “hoàn toàn cần thiết” và việc nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản có thể diễn ra vào tháng 5. Lãi suất đã tăng vọt vào ngày 21/4 sau những nhận định của ông Powell. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vào ngày thứ Sáu giảm nhẹ xuống 2,9%.
- Giá dầu giảm vào ngày thứ Sáu (22/4), ghi nhận mức giảm 5% trong tuần qua do triển vọng tăng trưởng toàn cầu yếu kém, lãi suất tăng cao và các biện pháp phong tỏa vì Covid-19 ở Trung Quốc đang làm ảnh hưởng đến nhu cầu, khi Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc cấm vận dầu Nga càng làm thắt chặt nguồn cung. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 1,68 USD (-1,6%) xuống 106,65 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1,72 USD (-1,7%) còn 102,07 USD/oz. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vốn trong tuần này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022, có thể tiếp tục hạ dự báo nếu các nước châu Âu mở rộng các lệnh trừng phạt Nga, và giá năng lượng sẽ tăng thêm, quan chức số 2 của cơ quan này cho biết. Một nguồn tin Chính phủ cho biết Chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 từ 3,6% xuống 2,2%. Trong khi, nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu hàng không trong tháng 4 của Trung Quốc dự kiến sụt 20% so với cùng kỳ năm trước, Bloomberg đưa tin, khi các thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải, đang phong tỏa vì Covid-19. Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 21/4 cho biết việc nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm “sẽ được thảo luận” tại cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed vào tháng 5, thúc đẩy đồng USD tiến lên mức cao nhất trong 2 năm. Đồng USD mạnh hơn làm dầu và các hàng hóa khác trở nên đắt đỏ hơn đối với nguời nắm giữ những đồng tiền khác.
- Giá vàng tiếp tục giảm vào ngày thứ Sáu (22/4), ghi nhận mức giảm trong tuần qua khi các tín hiệu Fed sẽ thắt chặt chính sách nhanh hơn đã thúc đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,9% xuống 1.932,87 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,7% còn 1.934,7 USD/oz. Jim Wycoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco, nhận định: “Kim loại trú ẩn an toàn cần một yếu tố cơ bản mới thúc đẩy để nâng cao lo ngại của nhà đầu tư, và điều đó không xảy ra. Sự đi ngang buồn tẻ mà chúng ta đang thấy… đã dẫn đến một số hoạt động bán ra dựa trên biểu đồ kỹ thuật”. Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 21/4 cho biết việc nâng lãi suất Mỹ thêm 0,5 điểm phần trăm sẽ “được thảo luận” khi cơ quan này nhóm họp vào tháng 5, cho thấy họ có thể hành động mạnh tay hơn để kiềm chế lạm phát gia tăng. Quan điểm “diều hâu” đã giúp lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm nới rộng đà tăng và cũng thúc đẩy chỉ số đồng USD.