Ngày đăng: 25/01/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ đã có sự trở lại ấn tượng khi nhà đầu tư bước vào mua các cổ phiếu công nghệ đang giảm sâu sau đợt bán tháo mạnh vào đầu phiên. Kết phiên, chỉ số Dow Jones tăng 99,13 điểm (+0,3%) lên 34.364,50 điểm, tăng phiên đầu tiên trong 7 phiên vừa qua. Chỉ số S&P 500 tiến 0,3% lên 4.410,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,6% lên 13.855,13 điểm. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 cũng khép phiên tăng. Chỉ số Nasdaq Composite khởi sắc sau khi sụt tới 4,9% hồi đầu phiên. Dow Jones tăng sau khi có thời điểm rớt 1.115 điểm. S&P 500 ghi nhận sắc xanh sau khi tích tắc rơi vào vùng điều chỉnh vào đầu phiên, giảm hơn 10% từ mức cao kỷ lục ngày 03/01/2022. Ngày thứ Hai đánh dấu một trong những phiên trở lại của thị trường tốt nhất trong một thời gian dài. Đây là lần đầu tiên kể từ hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Nasdaq Composite sụt hơn 4% trong phiên và đóng cửa tăng điểm. Đối với Dow Jones, vốn đã giảm 3,25% ở mức thấp, đây là lần phục hồi trong phiên mạnh nhất kể từ phiên giao dịch tháng 3/2020. Bất chấp đà phục hồi vào ngày thứ Hai, S&P 500 vẫn sụt 7,5% từ đầu tháng đến nay, hướng đến tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Động thái thị trường trong năm nay ban đầu tập trung vào Nasdaq Composite và nhóm cổ phiếu công nghệ khi nhà đầu tư rút khỏi các cổ phiếu có giá trị kém hấp dẫn hơn khi lãi suất tăng. Lượng bán tháo có thể đã đạt đến điểm giới hạn với chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2020, vượt mức 38 trong phiên. Một khi thước đo về mức độ sợ hãi chạm đến những điểm cực đoan đó, thị trường có xu hướng phục hồi trở lại, ngay cả khi chỉ là tạm thời.
- Giá dầu giảm khi đồng USD mạnh hơn và nhà đầu tư lo ngại về khả năng Fed nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến. Đóng cửa, hợp đồng dầu Brent lùi 1,62 USD (-1,8%) xuống 86,27 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1,83 USD (-2,15%) còn 83,31 USD/thùng. Dầu Brent đã tăng hơn 1 USD vào đầu phiên do lo ngại nguồn cung eo hẹp và rủi ro địa chính trị gia tăng ở châu Âu và Trung Đông. Căng thẳng ở Ukraine đã leo thang trong những tháng qua sau khi Nga tăng cường binh lính đến gần biên giới, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở Đông Âu. Tại Trung Đông, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đánh chặn và phá hủy 2 tên lửa đạn đạo của phiến quân Houthi nhắm vào quốc gia này vào ngày thứ Hai sau một cuộc tấn công gây thương vong hồi tuần trước. Trong khi đó, Barclays đã nâng dự báo giá dầu trung bình thêm 5 USD/thùng trong năm nay, với công suất dự phòng thu hẹp và rủi ro địa chính trị gia tăng. Ngân hàng này đã nâng dự báo giá dầu trung bình trong năm 2022 đối với dầu Brent và dầu WTI lần lượt lên 85 USD/thùng và 82 USD/thùng.
- Giá vàng tăng khi đợt bán tháo trên Phố Wall do căng thẳng địa chính trị ở Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn, trong khi nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận quyết định nâng lãi suất của Fed. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,4% lên 1.840,16 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,5% lên 1.841,70 USD/oz. NATO cho biết đang bố trí lực lượng ở chế độ dự phòng ở Đông Âu nhằm đối phó với việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới với Ukraine. Ed Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Câu chuyện về Ukraine là tích cực đối với vàng và chính sách của Fed cuối cùng sẽ chuyển sang thắt chặt một cách thận trọng hơn vì Fed vẫn tin rằng điều này chỉ là tạm thời”. Động thái bán tháo trên Phố Wall trở nên tồi tệ hơn do căng thẳng Nga – Ukraine và kỳ vọng rằng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn để kiềm chế lạm phát cao. Tuy nhiên, Giám đốc phân tích thị trường Michael Hewson của CMC Markets tại Anh cho biết Fed không có khả năng tác động lớn đến vàng ở thời điểm hiện tại “bởi vì thị trường lo ngại nhiều hơn về những gì đang diễn ra ở Đông Âu”, đặc biệt là khi xem xét việc nâng lãi suất vào tháng 3/2022 đã được định giá.