Ngày đăng: 24/08/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm sau phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2022, khi nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận một thông điệp “diều hâu” từ Fed. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones lùi 154,02 điểm (-0,47%) xuống 32.909,59 điểm, chỉ số S&P 500 mất 0,22% còn 4.128,73 điểm và chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,002% xuống 12.381,30 điểm. Nhà đầu tư đang trải qua một phiên giao dịch ảm đạm, khi đà leo dốc mùa hè dần kết thúc, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về việc nâng lãi suất, và khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 3%. Lisa Shalett, Giám đốc Uỷ ban đầu tư toàn cầu tại Morgan Stanley Wealth Management, cho biết trong một lưu ý: “Theo quan điểm của chúng tôi, thị trường giá xuống này còn một hành động cuối cùng”. Bà Shalett cho biết nhà đầu tư đang đánh giá thấp lạm phát, rủi ro suy thoái ngày càng tăng, và kỳ vọng lợi nhuận sẽ phải giảm vào một thời điểm nào đó.
- Giá dầu tăng hon 3% sau khi Ả-rập Xê-út đưa ra ý tưởng cắt giảm sản lượng của OPEC+ để hỗ trợ giá dầu và với triển vọng dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 3,88% lên 100,22 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 3,38 USD (+3,7%) lên 93,74 USD/thùng. “Phần lớn động lực đứng sau đà tăng ngày hôm nay chủ yếu được thúc đẩy bởi những nhận định từ Ả-rập Xê-út, ám chỉ đến việc cắt giảm sản lượng trong nỗ lực ‘ổn định’ thị trường”, Jim Ritterbusch của Công ty tư vấn kinh doanh dầu mỏ Ritterbusch and Associates, nhận định. “Dĩ nhiên, theo quan điểm của Ả-rập Xê-út, giá cả ổn định là giá cao và không ổn định là giá thấp”. Trong những nhận định được đưa ra vào ngày thứ 22/8, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út cho biết thị trường dầu mỏ thực tế và trên hợp đồng đã trở nên “thiếu kết nối”. Tuy nhiên, 9 nguồn tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nói với Reuters vào ngày thứ Ba rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể không xảy ra và sẽ trùng với việc Iran quay trở lại thị trường dầu nếu Tehran đạt được thoả thuận hạt nhân với phương Tây. Trong khi giá hợp đồng dầu Brent tương lai đã giảm mạnh so với mức đỉnh trong năm nay, cấu trúc thị trường và sự khác biệt về giá trên thị trường dầu thực tế vẫn dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung. Nhấn mạnh thêm tình trạng khan hiếm này, báo cáo mới nhất từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ dự kiến giảm 1,5 triệu thùng.
- Giá vàng khởi sắc sau 6 phiên giảm liên tiếp, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ suy giảm sau dữ liệu hoạt động kinh doanh yếu kém của Mỹ. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,6% lên 1.746,14 USD/oz. Giá vàng đã giảm 6 phiên trước đó và chạm mức 1.727,01 USD/oz vào ngày thứ Hai (22/8), mức thấp nhất kể từ ngày 27/7/2022. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,7% lên 1.761,2 USD/oz. Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, nhận định: “Dữ liệu cho thấy sự thu hẹp lớn, cho thấy nền kinh tế đã suy yếu nhanh chóng, mở ra cánh cửa cho ý tưởng rằng Fed có thể sẽ không quyết liệt trong chính sách, tiếp tục hỗ trợ vàng”. Chỉ số đồng USD lùi 0,5%, làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm làm vàng trở nên hấp dẫn hơn bằng cách làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ kim loại quý. Trọng tâm chú ý hiện nay là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị ngân hàng trung ương toàn cầu thường niên ở Jackson Hole, Wyoming, vào ngày thứ Sáu (26/8). Vàng có xu hướng bị ảnh hưởng trong môi trường lãi suất cao vì kim loại quý không đem lại lợi suất.