Quay lại

Ngày đăng: 24/01/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chứng khoán Mỹ đỏ rực trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và khép lại tuần giảm điểm mạnh cũng như một khởi đầu khá gập ghềnh cho năm 2022. Chỉ số Nasdaq Composite mất điểm nhiều nhất và khép lại tuần tồi tệ nhất từ năm 2020 khi nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo trong phiên cuối tuần. Kết phiên, Nasdaq Composite sụt 2,7% xuống 13.768,92 điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial Average rớt 450,02 điểm còn 34.265,37 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 1,9% khép phiên tại 4.397,94 điểm. Tính chung cả tuần qua, Nasdaq bốc hơi 7,6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất từ tháng 10/2020, và hiện chỉ số này đã giảm hơn 14% so với mức đóng cửa kỷ lục xác lập vào tháng 11/2021. Cả Dow Jones và S&P 500 cũng khép lại tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp với mức giảm lần lượt 4,6% và 5,7%, đồng thời cũng là những tuần điều chỉnh mạnh nhất của hai chỉ số này kể từ năm 2020. Hiện S&P 500 đã bốc hơi 8,3% so với mức kỷ lục xác lập đầu tháng 1/2022 và đóng cửa dưới đường trung bình động 200 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020. Trong khi đó, Dow Jones rút lui phiên thứ 6 liên tiếp, ghi nhận chuỗi phiên giảm điểm dài nhất kể từ tháng 2/2020. Sức ép lớn nhất đối với Nasdaq Composite chính là sự tăng vọt của lợi suất trái phiếu Chính phủ trong tuần này. Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm lên tới 1,9% trong ngày thứ Tư và nhà đầu tư đang chờ đợi lịch trình nâng lãi suất cũng như chính sách tiền tệ nhìn chung là thắt chặt hơn từ Fed. Tuy nhiên, trong ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu lại rút lui. Hiện nhà đầu tư đang dồn mọi sự chú ý vào cuộc họp chính sách tháng 1 kéo dài 2 ngày của Fed, dự kiến bắt đầu vào thứ Ba tuần tới.
  • Giá dầu tiếp tục giảm nhẹ phiên thứ hai liên tiếp trong ngày thứ Sáu do nhà đầu tư chốt lời sau khi nhiên liệu này chạm đỉnh 7 năm vào đầu tuần, đồng thời trữ lượng xăng và dầu thô của Mỹ bất ngờ gia tăng ngoài dự đoán. Tuy vậy, cả hai hợp đồng năng lượng này vẫn có được tuần tăng giá thứ năm liên tiếp, với mức tăng khoảng 2% trong tuần này. Tính từ đầu năm tới hiện tại, giá dầu đã tăng hơn 10% do lo lắng nguồn cung đang bị thắt chặt. Hợp đồng dầu Brent giảm 49 xu (-0,6%) xuống 87,89 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI trượt 41 xu (-0,5%) còn 85,14 USD/thùng. Báo cáo của EIA cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2021 và đạt được mức cao nhất trong 11 tháng, khiến thị trường hoàn toàn bất ngờ. “Có thể giá dầu không thể tăng một mạch tới 100 USD, nhưng những yếu tố cơ bản về nguồn cung chắc chắn sẽ hỗ trợ để điều đó xảy ra trước mùa hè”, Moya nhận định. Các nhà phân tích khác cũng dự đoán áp lực hiện tại trên giá dầu chỉ mang tính giới hạn do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu lại đang gia tăng. OPEC+, nhóm bao gồm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, đang chật vật để đạt mục tiêu tăng sản lượng hàng tháng lên thêm 400.000 thùng/ngày. “Do khả năng cung ứng thấp từ phía OPEC+, sản lượng dự trữ thấp cộng thêm căng thẳng địa chính trị ngày một tăng”, các chuyên gia tại Bank of America nói rằng họ kỳ vọng giá dầu Brent sẽ tăng lên quanh 120 USD/thùng vào giữa năm 2022. UBS dự đoán nhu cầu dầu thô sẽ tăng cao kỷ lục trong năm nay và hiện tại giá dầu Brent đang giao dịch trong biên độ 80-90 USD/thùng. Trong khi đó, Morgan Stanley đã nâng dự đoán dầu Brent sẽ tăng lên tới 100 USD/thùng trong quý 3, nối tiếp dự báo trước đây tại 90 USD/thùng.
  • Vàng khép lại tuần tăng giá thứ hai liên tiếp vào ngày thứ Sáu khi lạm phát và rủi ro địa chính trị củng cố thêm đặc tính an toàn của kim loại quý này. Trong khi đó, nhu cầu mạnh và những rủi ro về nguồn cung đối với paladi giúp kim loại này có tuần giao dịch tốt nhất kể từ tháng 3/2021. Đóng cửa, giá vàng giao ngay giảm nhẹ 0,1% xuống 1.836,6 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai tại Mỹ trượt 0,2% còn 1.839,2 USD/oz. Giá bạc cũng giảm 0,2% xuống 24,38 USD nhưng vẫn khép lại tuần giao dịch tốt nhất trong năm, với mức tăng khoảng 6,3%. “Phe mua đang nắm kiểm soát bởi vì nhà đầu tư tìm đến giá trị an toàn của vàng trong tuần này”, Chuyên gia thị trường cao cấp của RJO Futures Bob Haberkorn nhận định. Thị trường đang dồn sự tập trung vào cuộc họp sắp tới của Fed vào 25-26/1. Theo cuộc thăm dò ý kiến của Reuters, các nhà kinh tế học kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách nhanh hơn so với những gì dự kiến một tháng trước đây để khắc phục tình trạng lạm phát cao kéo dài. Đà tăng giá của vàng khó có thể duy trì được trước dự đoán tăng lãi suất, vốn sẽ giảm thiểu tính hấp dẫn của việc giữ vàng không trả lãi tức, Chuyên gia phân tích của Standard Chartered Suki Cooper chia sẻ trong một báo cáo, và dự đoán giá vàng sẽ điều chỉnh về khoảng 1.783 USD/oz trong năm 2022.
Bản tin phái sinh 24/01/2022 - Các nhịp rung lắc tiếp tục diễn ra
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang