Ngày đăng: 23/09/2022
Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:
- Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp vì lo ngại ngày càng tăng rằng việc Fed nâng lãi suất mạnh tay sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, qua đó làm giảm khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Đóng cửa, chỉ số S&P 500 lùi 0,8% xuống 3.757,99 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 1,4% còn 11.066,81 điểm, chỉ số Dow Jones hạ 107,10 điểm (-0,3%) xuống 30.076,68 điểm. Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Năm sau khi Fed vào ngày thứ Tư (21/9) đã duy trì lập trường quyết liệt, đưa ra một đợt nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản khác và dự báo đưa lãi suất ngắn hạn lên mức cao 4,4% vào cuối năm 2022. Các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đều hành động sau sự dẫn dắt của Fed, thực hiện nâng lãi suất mạnh vào đêm qua bất chấp khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ed Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Fed đã mở đường cho hầu hết các ngân hàng trung ương khác trên thế giới tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay, và điều đó sẽ dẫn đến suy thoái toàn cầu, và mức độ nghiêm trong sẽ được xác định là trong bao lâu để lạm phát hạ nhiệt”.
- Giá dầu khởi sắc, tập trung vào những lo ngại về nguồn cung dầu của Nga, và khi Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE) nâng lãi suất thấp hơn so với một số dự báo. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 75 xu (+0,8%) lên 90,58 USD/thùng, sau khi tăng hơn 2 USD vào đầu phiên. Hợp đồng dầu WTI cộng 75 xu (+0,8%) lên 83,69 USD/thùng, sau khi tăng hơn 3 USD vào đầu phiên. Nga đã kêu gọi mạnh mẽ chế độ quân dịch bắt buộc lớn nhất kể từ Thế chiến thứ 2, làm lo ngại gia tăng về khả năng leo thang chiến tranh ở Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực hơn đến nguồn cung dầu. John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, nhận định: “Lời phát biểu của ông Putin là điều đang thúc đẩy thị trường này”. Cùng với đó, BoE đã nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 2,25% và cho biết sẽ tiếp tục “phản ứng mạnh mẽ, nếu cần thiết” đối với lạm phát. “Việc nâng lãi suất thấp hơn so với dự kiến của thị trường và bất chấp một số dự báo rằng các nhà hoạch định chính sách Anh có thể bị buộc phải hành động mạnh tay hơn”, ngân hàng ING cho biết.
- Giá vàng giảm nhẹ, chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu cao hơn, trong khi lập trường chính sách diều hâu của Fed đã làm lu mờ triển vọng đối với kim loại không đem lại lợi suất. Chốt phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,2% xuống 1.671,10 USD/oz, sau khi giảm hơn 1% vào đầu phiên, trong khi hợp đồng vàng tương lai cộng 0,3% lên 1.680,60 USD/oz. Bob Haberkorn, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Vàng đang sụt giảm vì đồng USD mạnh hơn và lợi suất cao hơn… triển vọng chung cho Fed là nhiều đợt nâng lãi suất hơn, điều này sẽ kìm hãm vàng”. Đồng USD tiến 0,5%, làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức cao nhất trong 11 năm. Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hoá tại TD Securities, nhận định: “Nhìn chung, xu hướng sẽ tiếp tục tiêu cực đối với vàng khi Fed nói với chúng ta vào hôm qua rằng họ khá quyết tâm trong việc nâng lãi suất”.