Quay lại

Ngày đăng: 23/02/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chỉ số S&P 500 rơi vào vùng điều chỉnh khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường đầu tuần mới. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones rớt 482,57 điểm (-1,42%) xuống 33.596,61 điểm, chịu áp lực từ đà lao dốc 8,9% của cổ phiếu Home Depot. Dow Jones đã giảm 4 phiên liên tiếp. Chỉ số S&P 500 lùi 1% xuống 4.304,76 điểm và sụt hơn 10% so với mức đóng cửa cao kỷ lục, một sự điều chỉnh kỹ thuật. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1,2% còn 13.381,52 điểm. Thị trường chứng khoán Mỹ tạm đóng cửa vào ngày thứ Hai (21/02) do nghỉ lễ Ngày Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, các chỉ số chính đã xóa bớt đà giảm vào cuối phiên. Tại mức đáy trong phiên, Dow Jones đã sụt hơn 700 điểm. Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày thứ Ba đã công bố các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng VEB và ngân hàng quân đội của Nga, trái phiếu chính phủ của nước này cùng một số cá nhân giàu có và gia đình. Anh cũng bắt đầu các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào 5 ngân hàng Nga và 3 cá nhân giàu có. Động thái này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẽ công nhận nền độc lập của 2 khu vực ly khai ở Ukraine, qua đó có khả năng cắt đứt cuộc đàm phán hòa bình với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Putin cũng ra lệnh các lực lượng tiến vào 2 khu vực ly khai. Tom Essaye, Nhà sáng lập Sevens Report, nhận định: “Tình hình Nga/Ukraine vẫn rất bất ổn, và căng thẳng vẫn leo thang, trong ngắn hạn điều đó vẫn sẽ là rào cản đối với chứng khoán”.
  • Giá dầu tiếp tục tăng khi cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine leo thang. Tuy nhiên, giá dầu đã rút khỏi mức đỉnh trong phiên buổi sáng. Kết phiên, hợp đồng dầu WTI tiến 1,4% lên 92,35 USD/thùng. Hợp đồng này có thời điểm vọt hơn 3% lên 96 USD/thùng trong phiên. Hợp đồng dầu Brent cộng 1,52% lên 96,84 USD/thùng, sau khi dao động ở mức cao 99,50 USD/thùng trước đó. Căng thẳng leo thang đã khiến các thị trường lo ngại, làm giá dầu tăng cao. Vào ngày 18/02, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này tin ông Putin đã quyết định thực hiện một cuộc tấn công vào Ukraine trong “vài ngày tới”. Nga đã xây dựng khoảng 150.000 quân dọc biên giới Ukraine, và chính quyền ông Biden cho biết có 7.000 lính bổ sung đã tham gia. Căng thẳng quân sự đã làm dấy lên lo ngại Nga có thể chuẩn bị tấn công Ukraine, dẫn đến lo ngại Điện Kremlin sẽ lặp lại hành động sáp nhập và chiếm đóng bất hợp pháp Crimea vào năm 2014. Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt lớn nhất đến Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái, và những căng thẳng này đang hỗ trợ cho giá dầu.
  • Giá vàng trong phiên vừa qua tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng trước khi quay đầu giảm vào cuối phiên khi các nhà đầu tư chờ đợi diễn biến của cuộc khủng hoảng Ukraine. Giá vàng giao ngay kết thúc phiên này giảm 0,2% xuống 1.902,71 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ 1/6 là 1.913,89 USD; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 kết thúc phiên vẫn tăng 0,4% lên 1.907,40 USD/ounce. Các nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm nhẹ của vàng là do một số hoạt động chốt lời. Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết điều đó diễn ra "bởi rõ ràng là tại thời điểm này phần bù rủi ro được tính vào giá vàng ở mức khá cao".
Bản tin phái sinh 23/02/2022 - Tiếp tục diễn biến giằng co mạnh
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang